Tầm soát bệnh tiểu đường chính xác mà không cần nhịn đói 

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức thông báo, nhằm tầm soát bệnh tiểu đường, người bệnh nên đo tỷ lệ hồng cầu tố HbA1c trong máu. Chúng ta biết hồng cầu tố (Hb, hemoglobin) có nhiệm vụ đem ô xy và các dưỡng chất, trong đó có chất đường đến nuôi các bộ phận trong cơ thể, nhất là các mạch máu "vùng sâu vùng xa". 
Hồng cầu tố HbA1c là loại đặc biệt có gắn chất đường nên khi ta đo hồng cầu tố này là gián tiếp đo lượng đường trong máu rất chính xác. Hồng cầu có đời sống từ 2 - 3 tháng, do đó khi đo hồng cầu tố HbA1c là ta gián tiếp theo dõi đường huyết trong vòng 3 tháng trước đây. Số đo này rất ổn định nên dùng để chẩn đoán bệnh tiểu đường và theo dõi hiệu quả điều trị trong thời gian qua. Người bệnh nên giữ tỷ lệ hồng cầu tố HbA1C ổn định ít nhất là dưới 7% và theo dõi 3 - 6 tháng nhằm kiểm tra mức độ đường huyết và gia giảm hay thay đổi thuốc men. Hơn nữa, khi xét nghiệm, người bệnh không cần nhịn đói và lượng máu này có thể lưu trữ nhiều giờ sau khi lấy để kiểm tra. 

Thế nào làrối loạn dung nạp đường?

Khái niệm tiền - tiểu đường hay rối loạn dung nạp đường được WHO nêu ra nhằm nhấn mạnh vai trò tầm soát tiểu đường sớm. Mức độ rối loạn dung nạp đường hay tiền - tiểu đường thường là nguyên nhân đưa đến tiểu đường thực thụ sau này. Hơn nữa, người ta nhận thấy trong giai đoạn tiền - tiểu đường, chất đường dù tăng nhẹ cũng ngấm ngầm tác hại đến các cơ quan tim mạch, gan thận, đáy mắt và các mạch máu vùng sâu vùng xa nên cần theo dõi, thay đổi chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và thậm chí dùng thuốc khi cần. Tiêu chuẩn phân loại tiền - tiểu đường là HbA1c từ 5,7 - 6,4% tương đương 100 - 125mg mỗi decilit máu. Tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường là khi HbA1c > 6,5% tương đương 126mg mỗi decilit máu.

Khi nào thi chích insulin? 

Sử dụng insulin tương đối sớm không chỉ cho tiểu đường loại 1 mà còn cho tiểu đường loại 2 khi có đường huyết tăng quá cao không kiểm soát được bằng các thuốc thông thường. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng dùng insulin sớm có lợi hơn cho việc ổn định đường huyết, phục hồi tế bào bêta tụy tạng và ngăn ngừa các biến chứng do tăng đường huyết. Theo sinh lý bệnh, khi đường huyết tăng cao sẽ gây tổn thương mắt, thận, thần kinh, mạch vành tim và não. 
Tăng đường huyết kéo dài gây tổn thương tế bào bêta tụy tạng vĩnh viễn. Ngược lại, nếu kiểm soát tốt đường huyết, tế bào bêta tụy tạng có thể hồi phục dần, ngăn chặn độc tính của đường đối với tế bào bêta. Dùng insulin sớm còn giúp tụy tạng được nghỉ ngơi và mau hồi phục hơn. Hiện nay, có nhiều loại insulin như loại tác dụng ngắn dùng trước bữa ăn kết hợp loại tác dụng dài dùng trước khi ngủ, loại insulin hít hay dán. Các bác sĩ nghiên cứu trên 400 người bệnh tiểu đường điều trị bằng 3 phương pháp khác nhau: bơm insulin dưới da, tiêm insulin nhiều mũi và uống thuốc hạ đường huyết, kết quả là số người bệnh dùng insulin hồi phục cao hơn hẳn nhóm dùng thuốc uống. 
Ngày nay, các chuyên gia chủ trương dùng insulin ngay từ đầu khi mới chẩn đoán tiểu đường có đường huyết tăng cao lúc đói trên 2,5g hay hồng cầu tố HbA1c tăng cao trên 10%. Ngoài ra, insulin còn dùng cho các người bệnh bị sang chấn nặng hay đang mang thai. Tôi đang dùng thuốc trị tiểu đường loại 2 bao gồm Amaryl và Glucophage nhưng hay bị cảm giác cồn cào và cơn đói không nhịn được, xin hỏi có thuốc nào tránh các triệu chứng này không? Trên đây là các tác dụng phụ rất thường gặp của các thuốc tiểu đường thế hệ cũ hay gây cảm giác đói cồn cào, rối loạn tiêu hóa và cơn hạ đường huyết. Hiện nay, có những loại thuốc mới tránh được các tác dụng phụ này, mà hai nhóm chính là thuốc chẹn thụ thể DPP-4 như sitagliptin và linagliptin hay loại tăng cường thụ thể GLP-1 như exenatid và luraglutid giúp ổn định đường huyết rất tốt, tuy nhiên giá cả còn mắc. 

Cấy tế bào gốc trị bệnh tiểu đường 

Trong tương lai, người bệnh tiểu đường sẽ được chữa trị theo phương pháp cấy tế bào gốc đa năng. Các phương pháp điều trị nói trên tuy mới nhưng vẫn dùng thuốc suốt đời, không chữa dứt bệnh tiểu đường vì không thể tái sinh tế bào bêta tụy tạng. Phương pháp đầy triển vọng hiện nay là cấy ghép tế bào gốc đa năng. Với phương pháp này, tế bào gốc đa năng được đưa vào cơ thể biệt hóa thành các tế bào bêta tụy tạng mới, khôi phục chức năng tuyến tụy khiến đường huyết ổn định như trong cơ thể bình thường. 
Không những vậy, tế bào gốc đa năng còn tái tạo các mô của nhiều cơ quan khác như mạch máu, gan thận nhằm phòng ngừa và điều trị biến chứng của tiểu đường như xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch, bệnh gan thận và võng mạc. Ngoài ra, còn một ưu điểm nữa là không sợ phản ứng phụ hay phản ứng thải ghép, không phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời như ghép tụy tạng hay ghép thận. Tuy nhiên, chúng ta còn phải chờ thêm nhiều thử nghiệm trên lâm sàng.
Bác sĩ Đào Ty Tách/Duyên dáng Việt Nam