Tôi là giáo viên đã nghỉ hưu, thời gian gần đây thấy đau vùng hạ sườn phải, vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng, đi khám bệnh, siêu âm được bác sĩ kết luận polyp túi mật có kích thước 9x16mm và có hiện tượng tắc mật. Thật sự tôi chưa hiểu rõ về căn bệnh này nên rất phân vân khi bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật cắt bỏ. Xin bác sĩ cho biết đây có phải là bệnh ác tính như ung thư không, triệu chứng cụ thể như thế nào? Có nhất thiết phải phẫu thuật không? Còn cách điều trị nào khác thay cho phẫu thuật? Trân trọng cảm ơn bác sĩ.
Chào chị. Trước hết phải khẳng định với chị, polyp túi mật (PL) còn gọi là u nhú niêm mạc tuyến mật, là một dạng tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật. Đây là một bệnh khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc giữa nam và nữ.
Trong y học, PL là thuật ngữ chuyên môn mô tả các hình thái tổ chức xuất phát từ thành túi mật phát triển lồi vào trong lòng túi mật. Các hình thái tổ chức có bản chất cấu trúc khác nhau, có thể là lành tính (không phải ung thư) hoặc không lành tính (ung thư). PL lành tính chiếm khoảng 92% các trường hợp, gồm có hai loại: u thật như adenome (u tuyến), leiomyome (u cơ), lipome (u mỡ)... u giả như cholesterol polyp (u cholesterol), andenomyomatosis (u cơ tuyến), viêm giả u...
Điều đáng chú ý là PL ác tính chiếm khoảng 8%, gồm có adenocarcinome (ung thư tuyến), mealanome (u sắc tố), di căn ung thư... Polyp túi mật không phải là bệnh lý hiếm gặp.Trong thực tế, khoảng 5% ở người trưởng thành khi kiểm tra trên siêu âm phát hiện có PL.
Người ta thấy số lượng và kích thước của PL cũng khá đa dạng, nhưng thường gặp nhất là có một PL với kích thước nhỏ hơn 10mm. Một số người có thể có nhiều PL hoặc kích thước PL lên đến 20-40mm, hay vừa có PL vừa có sỏi túi mật. PL chủ yếu gặp ở người trưởng thành, nhưng cũng có thể gặp ở trẻ em. Người châu Á mắc nhiều hơn so với các châu lục khác.Theo thống kê đàn ông gốc Trung Quốc tỷ lệ mắc lên đến 9,5%. Nghiên cứu thống kê cho thấy tỷ lệ PL trong cộng đồng dao động từ 0,03% đến 9% và hay gặp ở phụ nữ độ tuổi từ 30 - 50. Chị cũng đã nằm trong “khoảng ranh giới” độ tuổi hay gặp căn bệnh này.
Đa phần các trường hợp PL không có biểu hiện triệu chứng và được phát hiện tình cờ trong đợt khám sức khỏe định kỳ hay đi khám vì các lý do khác. Chỉ khoảng 6 – 7% bệnh nhân PL có biểu hiện triệu chứng, thường gặp nhất là đau tức dưới sườn phải hay đau vùng trên rốn, một số ít có biểu hiện buồn nôn – nôn, ăn chậm tiêu và co cứng nhẹ vùng dưới sườn phải… Đau tức hạ sườn phải còn có thể gặp trong nhiều bệnh lý gan mật khác như sỏi túi mật, xơ gan, ung thư gan, gan nhiễm mỡ…
Hiên nay, chẩn đoán PL chủ yếu dựa vào các thăm dò cận lâm sàng. Với sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, siêu âm nội soi, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) đã giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán PL. Trong đó siêu âm chẩn đoán là một kỹ thuật không xâm lấn có giá trị chản đoán cao và ít tốn kém.
Chị có thể tin tưởng vào kết luận của bác sỹ vì đã có kết quả siêu âm. Tuy vậy, các phương tiện chẩn đoán nói trên chỉ chẩn đoán là PL mà chưa thể khẳng định được có ác tính hay không để có thể chỉ định phẫu thuật... Hiện chưa có kỹ thuật nào có thể lấy được mảnh tổ chức PL để làm sinh thiết chẩn đoán rõ lành tính hay ác tính. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, các thầy thuốc thường chỉ định cho điều trị phẫu thuật cắt bỏ. Túi mật là một cấu thành của hệ thống đường dẫn mật, có vai trò tham gia điều hòa bài tiết mật và tiêu hóa thức ăn, do vậy không thể tùy tiện tiến hành cắt bỏ khi chưa có chỉ định.

Bệnh polyp túi mật phần lớn là chung sống hòa bình với người bệnh
Theo nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy, 92% PL có bản chất lành tính (không ung thư), do vậy người bệnh không cần đến sự can thiệp điều trị cắt bỏ túi mật, hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với nó. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, PL có kích thước nhỏ hơn 10mm (được xác định trên siêu âm) hầu hết lành tính thì thường không có chỉ định phẫu thuật. Các bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân tiếp tục theo dõi, khám bệnh định kỳ. Thông thường có thể 6 tháng siêu âm kiểm tra lại. Trên siêu âm nếu thấy những hình ảnh gợi ý tính chất ác tính ví dụ như thấy PL có chân lan rộng, hình không đều đặn, phát triển nhanh. Khi đó phải chỉ định can thiệp phẫu thuật ngoại khoa để cắt bỏ túi mật.
Túi mật là một bộ phận của hệ thống đường mật ở ngoài gan, có chức năng dự trữ và cô đặc mật, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa bài tiết mật để giúp tiêu hóa thức ăn, do đó muốn cắt bỏ phải đúng chỉ định. Sau phẫu thuật, dịch mật sẽ được tiết thẳng vào tá tràng để phục vụ quá trình tiêu hóa. Hiện nay, chưa có thứ thuốc nào có thể làm PL mất đi. Quan điểm của y khoa nói chung có thể tóm lược như sau:
1.Nếu nghi ngờ PL phát hiện qua siêu âm mà bệnh nhân không có triệu chứng như đau sốt... thì nên kiểm tra lại sau 6 tháng hay một năm để theo dõi, đánh giá sự phát triển.
2.Nếu sau thời gian đó mà không còn hình ảnh của PL thì không cần phải xử trí gì.
3.Chỉ định phẫu thuật cắt túi mật trong những trường hợp sau:
- Kích thước PL lớn hơn 10 mm.
- Có hình ảnh gợi ý ác tính.
- PL phát triển nhanh sau thời gian theo dõi từ 3 - 6 tháng.
- Phát hiện các biểu hiện ác tính qua xét nghiệm máu, các thăm dò khác.
- Có các biểu hiện lâm sàng như đau, sốt, vàng da, vàng mắt… nên chỉ định phẫu thuật sớm.
Như vậy, trường hợp của chị, trên kết quả siêu âm PL có kích thước >10 mm, có hiện tượng tắc mật như vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng thì chỉ định phẫu thuật của bác sĩ là chính xác. Tuy không phải ngay lập tức phẫu thuật như cấp cứu, nhưng nên có kế hoạch phẫu thuật sớm để tránh tình trạng tắc mật dẫn đến phải mổ cấp cứu thì không nên.
Hiện nay, với sự phát triển của y học, cắt bỏ PL đồng nghĩa với cắt bỏ toàn bộ túi mật. Hiện có nhiều kỹ thuật cắt bỏ túi mật như “mổ mở” và phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật cắt bỏ túi mật bằng phương pháp nội soi là “tiêu chuẩn vàng” trong y khoa. Phương pháp phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm như là một phẫu thuật ít xâm hại, ít gây đau, ít biến chứng và sau mổ bệnh nhân hồi phục nhanh chóng. Chị có thể đến các bệnh viên lớn có khả năng phẫu thuật nội soi để được thực hiện phẫu thuật này.
Chúc chị chóng lành bệnh!