Đại tá, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Quách Tuấn Vinh

NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ TRỊ BỆNH BẰNG ĐƯỜNG KIM MŨI CHỈ Từ những mẩu chỉ phẫu thuật và những chiếc kim tiêm rất thông dụng, đại tá, bác sĩ, thầy thuốc ưu tú, Quách Tuấn Vinh đã mày mò học hỏi, phát triển một phương pháp châm cứu ưu việt - cấy chỉ catgut vào huyệt đạo với công nghệ vi cấy ghép Bản sắc Việt, mở ra một hướng đi mới trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân…

Người thầy thuốc mang tâm thái của người lính cụ Hồ
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Nội, đại tá, bác sĩ Quách Tuấn Vinh là hậu duệ đời thứ 24 của hai quan Thượng thư Quách Đình Bảo và Quách Hữu Nghiêm dưới triều vua Lê Thánh Tông. Hiện nay, tại đền thờ hai cụ ở Thái Phúc - Thái Thụy - Thái Bình vẫn còn lưu giữ bức cổ tự “Thi lễ truyền gia” do nhà vua ban tặng. Bác sĩ Quách Tuấn Vinh theo học Tây y, nhưng ngay từ ngày còn nhỏ, ông đã đam mê châm cứu và những phương thuốc bí truyền phương Đông cất giữ trong tủ sách gia đình. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống y nghiệp bố mẹ ông đều là cán bộ công tác trong nghành y tế; bố ông, cụ Quách Đình Tuấn nguyên viện trưởng Viện điều dưỡng Đống Đa thuộc bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, mẹ ông là một nữ y tá luôn tận tâm với nghề. Ông ngoại của bác sĩ cũng là một thầy lang có tiếng từng dạy ông thuốc nam, châm cứu từ khi ông còn bé xíu.
Và hàng ngày, chứng kiến nỗi đau đớn của chính các người thân trong gia đình cùng những người bệnh ở làng, cậu bé Quách Tuấn Vinh đã nuôi dưỡng quyết tâm, lớn lên sẽ nối tiếp truyền thống gia đình, trở thành thầy thuốc chữa bệnh cho người dân quê. Ông luôn có suy nghĩ tại sao không kết hợp Đông - Tây y để cho ra đời những phương pháp điều trị linh hoạt và hiệu quả hơn.
Khi lớn lên, vào những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, ông viết đơn xung phong đi bộ đội, và rồi được quân đội đào tạo trở thành thầy thuốc. Có thể nói, quân đội là một trường đại học lớn đã đào tạo ông thành nhân và thành tài.
Năm 1979, rời khỏi đoàn Thành Tô, bộ đội phòng không Hải Phòng, ông bước chân vào ngành y tế , được đào tạo chuyên ngành Đông y và chuyên ngành phục hồi chức năng. Ngay từ năm 1982, khi đang học tại Học viện Quân y, Bác sĩ Quách Tuấn Vinh đã mang trong mình sự đam mê châm cứu, cấy chỉ. Để bù cho thời gian được học (cả lí thuyết lẫn thực hành) ít ỏi, ông đã tranh thủ sớm tối học thêm thầy, hỏi thêm bạn và tìm tòi tài liệu tự nghiên cứu. Ông tự học châm cứu từ sách do người cha lưu giữ, tích lũy kinh nghiệm qua những trang tạp chí Đông y của ông ngoại để lại. Ông mạnh dạn thực hành những kiến thức học hỏi được trên chính cơ thể mình và người bệnh. Khi đã nắm vững nguyên tắc cùng những kĩ thuật cơ bản về phương pháp chữa bệnh độc đáo này, ông mong mỏi sớm được thực hiện để giúp đỡ người bệnh tìm lại niềm vui, hạnh phúc của cuộc đời. Niềm mong mỏi ấy đã đến, giản dị và nặng sâu, tạo nên kỉ niệm đẹp của buổi khởi đầu đầy nhiệt huyết.
Thương ông chú ruột đau thắt vùng thượng vị, thương bà dì mệt mỏi, vật vã do rối loạn nội tiết sau khi cắt buồng trứng, ông mạnh dạn đề xuất: “Để cháu chữa cho”. Chỉ sau vài lần cấy chỉ catgut vào huyệt đạo, kết quả thật bất ngờ, cả ông chú và bà dì đều khỏi bệnh. Niềm vui xen lẫn sự xúc động của những người ruột thịt đã tiếp thêm nghị lực cho ông…
Năm 1985, ông đi thực tế ở trung đoàn 66, sư đoàn 10, quân đoàn 3. Có đến hơn 30 cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã được ông chữa trị căn bệnh viêm loét dạ dày tá tràng bằng phương pháp cấy chỉ. Kết quả là đề tài “cấy chỉ bằng phương pháp cải tiến chữa bệnh viêm loét dạ dày tá tràng” được ông báo cáo ở Học viện Quân y. Cũng trong năm 1985, bác sĩ Nguyễn Đình Thanh công tác tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 tìm đến bác sĩ Quách Tuấn Vinh học hỏi thêm kỹ thuật cấy chỉ, được bác sĩ Quách Tuấn Vinh nhiệt tình truyền đạt nhiều kinh nghiệm đúc rút quý báu, bác sĩ Nguyễn Đình Thanh cảm động lắm. Trong hội thi “Tuổi trẻ sáng tạo” của Viện, bác sĩ Nguyễn Đình Thanh mạnh dạn vận dụng những kinh nghiệm đó điều trị bệnh hen phế quản và đạt kết quả tốt, được giải thưởng… Dám nghĩ, dám làm, tin tưởng vào khả năng chuyên môn là một đặc tính của con người bác sĩ Vinh. Tại tọa đàm “Cấy chỉ chữa bệnh nan y và mạn tính” với sự có mặt của một số chuyên gia y tế, công nghệ cấy chỉ “BẢN SẮC VIỆT” do bác sĩ Quách Tuấn Vinh sáng tạo đã được đánh giá cao, góp phần khẳng định bản sắc Việt của châm cứu Việt Nam trên trường quốc tế.
Và rồi sau này, khi đã trải qua nhiều cương vị công tác, ông đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Quân y (Tổng cục Chính trị) và là bác sĩ Phòng Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương I, chuyên chăm sóc các tưởng lĩnh và lãnh đạo cấp cao của nhà nước. Gánh trên vai những trọng trách quan trọng, nặng nề, vì thế bác sĩ Quách Tuấn Vinh luôn răn dạy bản thân mình những bài học lớn: Phải cố gắng học thầy, học bạn, biết kế thừa, biết sáng tạo, tạo bản sắc riêng, tìm tòi một phương pháp chữa bệnh có hiệu quả để phục vụ nhân dân. Ở ông, chất lính luôn tỏa sáng cùng cái “tâm” cao quý của người thầy thuốc. Chính sự học hỏi không biết mệt mỏi đã giúp ông tích lũy cho bản thân mình những kinh nghiệm quý báu trong nghề. Trau dồi y đức, nâng cao y thuật để giúp đời, giúp người. Năm 2008, sau hơn ba mươi năm phục vụ trong quân đội, đại tá Quách Tuấn Vinh trở về với cuộc sống đời thường. Có lẽ, theo truyền thống của tổ tiên là cụ Quách Đình Bảo với cái vòng luân hồi “làm việc -  về hưu -  chữa bệnh -  mở trường” mà đại tá, bác sĩ Quách Tuấn Vinh khi về hưu cũng không an phận với cuộc sống an nhàn như nhiều người khác, ông mở Trung tâm cấy chỉ - phục hồi chức năng Minh Quang với mong muốn chuyên nghiên cứu phát triển kỹ thuật cấy chỉ vào huyệt đạo để giúp đời, giúp người. Mặc dù, là giám đốc của Trung tâm nhưng ông vẫn không lúc nào rời cây kim khỏi tay, ông trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân của Trung tâm. Ngoài những buổi làm việc tại Trung tâm lúc tối khi về nhà ông thường dành thời gian để viết sách, viết báo. Đến nay, với gần 30 đầu sách phổ biến kiến thức y học, ông trở thành cộng tác viên của nhiều nhà xuất bản, tạp chí, báo y học chuyên ngành của cả nước. Nhiều bác sĩ ở nhiều địa phương trên cả nước đã được ông đào tạo công nghệ mới để có thể góp phần phục vụ sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân.  Mặt trận chiến đấu với giặc ngoại xâm đã hết nhưng giờ thay vào những trăn trở ấy, người đại tá, bác sĩ Quách Tuấn Vinh vẫn luôn vẫn trăn trở tìm cách cống hiến được nhiều hơn cho cuộc đời trên mặt trận mới – Mặt trận chiến đấu với nỗi đau bệnh tật cùng bệnh nhân.
Cuộc chiến mới của người lính khoác áo blu trắng
Sinh ra và lớn lên trong môi trường gia đình có truyền thống làm nghề y. Hơn nữa, đại tá, bác sĩ Quách Tuấn Vinh lại được đào tạo bài bản tại Học viện Quân y. Phải chăng đây lại là lợi thế để ông thể phát huy hết kiến thức Đông - Tây Y mà ông đã học được từ môi trường đại học kết hợp với bí quyết gia truyền để làm nên những điều kỳ diệu. Có thể nói, cho đến nay, Trung tâm cấy chỉ - Phục hồi chức năng Minh Quang của ông là cơ sở y tế đầu tiên ở Việt Nam chuyên nghiên cứu, ứng dụng và phát triển kỹ thuật sử dụng chỉ khâu phẫu thuật cấy ghép vào huyệt đạo. Và bác sĩ Quách Tuấn Vinh trở thành chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành y tế về công nghệ cấy ghép chỉ khâu phẫu thuật vào huyệt đạo.
Trong lịch sử y học, châm cứu là một phương pháp phòng và chữa bệnh có từ ngàn xưa, gắn liền với lịch sử phát triển của loài người. Châm cứu truyền thống đã góp phần chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho con người. Sử dụng chỉ khâu phẫu thuật cấy ghép vào huyệt đạo nhằm mục đích dự phòng, nâng cao sức khỏe, điều trị, phục hồi chức năng là một trong nhiều biện pháp chăm sóc sức khỏe. Người Việt Nam gọi nôm na là “cấy chỉ”. Phương pháp này có xuất xứ từ Trung Quốc. Hiện này có nhiều nước trên thế giới áp dụng như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Hungari, Đức… Ở Việt Nam phương pháp này chưa được áp dụng rộng rãi nhưng vẫn do còn nhiều hạn chế về mặt kĩ thuật như gây đau, chảy máu, sưng nề… Sau nhiều năm nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm, bác sĩ Quách Tuấn Vinh đã kế thừa và phát triển kĩ thuật cấy ghép chỉ khâu phẫu thuật và huyệt đạo, xây dựng quy trình kĩ thuật mới, cải tiến công nghệ cấy ghép, hạn chế tối đa nhược điểm của các kĩ thuật cấy chỉ khác, tạo bản sắc riêng hiệu quả cao. Nhờ phương pháp cấy chỉ ưu việt này (khi cấy chỉ vào huyệt đạo, chỉ sẽ tự tiêu sau ít ngày), bác sĩ Quách Tuấn Vinh đã mở rộng phạm vi điều trị với 19 nhóm bệnh lý và 250 mặt bệnh. Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Quách Tuấn Vinh cho biết: Nhiều căn bệnh khó như: Di chứng liệt, bại não, tự kỉ, thoát vị đĩa đệm, teo gai thị… đã được ông nghiên cứu điều trị thành công. Thành quả nghiên cứu của ông đã mở ra một hướng đi mới trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe con người. Huyệt đạo được coi là những điểm thu nhận kích thích, có khả năng tự điều chỉnh cơ thể, cân bằng âm dương, cân bằng các chức năng tạng phủ, khai thông kinh mạch, khai khí uất, hoạt huyết ứ, bổ khí khu tà… Khác với hình thức châm cứu cổ truyền, phương pháp cấy chỉ có đặc trưng là huyệt đạo sau khi cấy chỉ được tác động một thời gian dài, liên tục trong một thời gian nhất định hoặc lâu dài. Khi được kích thích trường diễn đã gây một hiệu ứng cao hơn hẳn kích thích tạm thời trong thời gian ngắn của phép châm cứu truyền thống. Hiệu quả điều trị bằng phương pháp  cấy chỉ cao hơn hẳn với châm cứu truyền thống. Bác sĩ Quách Tuấn Vinh khẳng định: Cấy chỉ vào huyệt đạo công nghệ Bản sắc Việt đã tạo ra một cuộc cách mạng trong châm cứu!
Như một quy luật tất yếu của cuộc sống “Hữu xạ tự nhiên hương”, uy tín của Trung tâm Cấy chỉ - phục hồi chức năng Minh Quang, của Đại tá, bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Quách Tuấn Vinh đã ngày càng cao và lan rộng với tiếng tăm của phương pháp cấy chỉ đã cứu bao mạng sống con người. Ngày ngày, bệnh nhân tìm đến Trung tâm chữa bệnh từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Trong cuộc đời làm thầy thuốc cứu người có biết bao kỷ niệm sâu sắc. Ông chia sẻ: Vào năm 1990, điều kỳ diệu đã đến khi một bệnh nhi bị di chứng liệt cứng sau viêm màng não được gia đình cậy nhờ bàn tay khối óc của ông. Chỉ sau hai lần cấy chỉ, cháu bé đã hết liệt. Cho đến nay, 24 năm trôi qua, cậu bé ấy nay đã trưởng thành, có vợ con, sức khỏe tốt …đã là phần thưởng cao quý nhất của đời ông. Bà Nguyễn Thục Phương, nguyên giảng viên đại học Y Hà nội ở Đặng Dung, Ba Đình, Hà Nội, mắc bệnh thoái hóa khớp gối, sau khi được bác sĩ Quách Tuấn Vinh cấy chỉ lần thứ nhất, bệnh tình đã thuyên giảm hẳn. Trong niềm vui khôn tả, bà Phương thành thực bày tỏ: “…Tôi đã 70 tuổi, bị thoái hóa khớp. Được bà con hàng xóm giới thiệu, tôi tới phòng khám của bác sĩ. Mới cấy chỉ một lần, tôi đã đỡ nhiều, đi lại bình thường, tôi rất phấn khởi. Tôi xin lỗi bác sĩ đã không đến cấy chỉ lần hai như lời bác sĩ dặn, nhưng việc làm đó đã tạo cho tôi niềm tin sâu đậm hơn về phương pháp điều trị của bác sĩ… ”.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, ông Hồ Văn Thành đã gửi tới bác sĩ Quách Tuấn Vinh những lời tri ân mộc mạc qua bức thư viết tay ông gửi đến bác sĩ Vinh: “…Tôi được bác sĩ điều trị cấy chỉ chữa bệnh hoại tử chõm xương đùi hai bên ngày 20-10-2010. Khi về thành phố Hồ Chí Minh đã giảm đau, đi lại nhẹ nhàng tốt hơn trước rất nhiều, một lần nữa tôi xin chân thành cám ơn bác sĩ”. Cháu Lê Đình Tuấn ở Yên Định, Thanh Hóa không giấu nổi xúc động khi mẹ mình khỏi bệnh đã nghẹn ngào viết: “…Sau một thời gian chữa trị bằng phương pháp cấy chỉ của bác, mẹ cháu đã khỏi được rất nhiều bệnh. Cháu không biết lấy gì để cảm ơn bác… Cháu mong sao những người bị bệnh biết đến bác nhiều hơn. Thay mặt mẹ, cháu xin gửi tới bác lời cảm ơn chân thành nhất”. Đọc lá thư này, tôi đặc biệt ấn tượng với dòng chữ “Cháu mong sao những người bị bệnh biết đến bác nhiều hơn”. Tuấn thương yêu mẹ, điều đó đã quá rõ, Tuấn còn dành tình thương yêu ấm nồng đến với mọi người bệnh. Cuộc đời thêm ý nghĩa chính từ những điều giản dị, tự nhiên như thế.
Còn rất nhiều, rất nhiều lá thư từ khắp nơi trên mọi miền tổ quốc như: Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, các tỉnh miền Tây Nam Bộ… gửi về Trung tâm Cấy chỉ - phục hồi chức năng Minh Quang (12B, Lý Nam Đế, Hà Nội) do bác sĩ Quách Tuấn Vinh làm Giám đốc để cám ơn, để chia sẻ cảm xúc của mình cũng như người thân được chữa khỏi bệnh bằng phương pháp cấy chỉ của bác sĩ Vinh. Mỗi lá thư một số phận, tuổi tác, ngành nghề, địa vị, quê hương… khác nhau nhưng mỗi lá thư ấy đều có một điểm chung duy nhất đó là bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng đối với người Thầy thuốc ưu tú, bằng lòng nhiệt huyết và tài năng của mình đã xoa dịu nỗi đau, mang lại hạnh phúc, niềm tin cho từng số phận.
Đã là bệnh nhân thì ai ông cũng khám, chẳng màng “người giàu sang, kẻ nghèo hèn” để khám bệnh chuộc danh lợi mà trong tâm người bác sĩ này, người bệnh như những người nhà, người thân của ông vậy. Nhìn bệnh nhân đau, ông cũng đau. Những người có điều kiện còn được đi khám nơi này nơi kia, công nghệ kỹ thuật hiện đại, còn thử hỏi những người nghèo, những trẻ em không nơi nương tựa thì cuộc đời em sẽ đi về đâu nếu mắc bệnh hiểm nghèo. Cứ với dòng suy nghĩ ấy mà ngay khi kinh tế đã vừng vàng, và là một giám đốc Trung tâm cấy chỉ - phục hồi chức năng Minh Quang ông thường xuyên khám, chữa bệnh nhân đạo cho các cháu nhiễm chất độc da cam đang điều dưỡng tại Làng Hữu Nghị. Chỉ trong khoảng thời gian bốn tiếng đồng hồ, bác sĩ Vinh đã khám, chữa bệnh cho hơn 50 cựu chiến binh và các cháu mắc các di chứng do chất độc da cam. “Đây là một phương pháp chữa bệnh có hiệu quả cao”- Đại tá Đinh Văn Tuyên phó giám đốc Làng Hữu Nghị nhận xét. Ông nói tiếp: Cán bộ, nhân viên y tế ở Làng Hữu Nghị đã được tiếp cận, nghiên cứu phương pháp cấy chỉ từ năm 2007. Bác sĩ Lê Thúy Oanh cùng với bác sĩ Quách Tuấn Vinh và một số thầy thuốc có tâm khác đã triển khai cấy chỉ cho nhiều trẻ em mắc di chứng chất độc da cam tại Làng Hữu Nghị. Các cháu đều có những chuyển biến nhất định. Ví dụ như trường hợp của cháu Hiến, sinh năm 1987, quê Hưng Yên, mắc di chứng câm điếc do chất độc da cam, năm 2007 đã được bác sĩ Vinh thực hiện cấy chỉ phục hồi chức năng. Sau vài lần điều trị bằng phương pháp cấy chỉ, cháu Hiến đã nói được câu: “Cháu chỉ muốn về nhà. Với những đứa trẻ khác, lòng mong muốn gắn bó với quê hương, với gia đình… là điều dễ dàng có thể nói nên lời, nhưng với Hiến, một thanh niên đã bao nhiêu năm bị mắc di chứng câm điếc do chất độc màu da cam nói được như vậy là công lao của tập thể thầy thuốc của Làng Hữu Nghị và của các thầy thuốc có tâm như bác sĩ Vinh.
Kể cũng lạ, cách điều trị bằng cấy chỉ xem ra cũng ít thấy ở các bệnh viện, nhưng tại đây, ngôi làng nhỏ bé của tình thương này, phương pháp cấy chỉ đã được các thầy thuốc thực hiện một cách đầy tự tin. Nhiều cựu chiến binh mắc bệnh hen phế quản, thần kinh tọa, mất ngủ, tăng huyết áp, thấp khớp đang điều dưỡng tại đây đều được bác sĩ Vinh khám và điều trị bằng phương pháp cấy chỉ. Ngay sau khi được các kỹ thuật viên của Trung tâm cấy chỉ - PHCN Minh Quang cấy chỉ xong, nhiều cựu chiến binh mắc bệnh đau lưng, đau khớp đã nhận thấy đỡ được đau nhức.
“Hiệu quả điều trị - phục hồi chức năng của phương pháp này khá cao” đó là nhận xét của bác sĩ Quách Tuấn Vinh khi đánh giá phương pháp cấy chỉ. Với kinh nghiệm đã từng nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật cấy chỉ từ năm 1983 đến nay, với khoảng 50.000 lượt người đã được bác sĩ Vinh khám và điều trị - Phục hồi chức năng bằng phương pháp cấy chỉ  trong đó hàng nghìn cháu bé dưới 6 tuổi được khám bệnh miễn phí… thì nhận thấy ưu điểm của phương pháp này là không chỉ là hiệu quả điều trị cao, còn rút ngắn được thời gian chữa bệnh. Người bệnh chỉ cần điều trị vài ba lần là đã có kết quả, mà mỗi lần cách nhau những nửa tháng. Nhiều mặt bệnh đáng ra phải nằm viện, phải phẫu thuật đã được bác sĩ Vinh áp dụng cấy chỉ thành công, vừa không ảnh hưởng đến sức khỏe do phải phẫu thuật, vừa tiết kiệm được khoản kinh tế đáng kể.
Công lao đóng góp của người Thầy thuốc ưu tú Quách Tuấn Vinh cũng đã được xã hội ghi nhận. Năm 2003 ông vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệuThầy thuốc ưu tú. Năm 2009, Tổng hội y dược học Việt Nam đã trao tặng Trung tâm cấy chỉ Phục hồi chức năng Minh Quang kỷ niệm chương “TRÁI TIM VÌ SỨC KHỎE NGƯỜI VIỆT”. Năm 2010, Trung ương hội Cựu chiến binh Việt Nam cũng tặng ông biểu tượng Vàng “TRỌN NGHĨA NƯỚC NON, VẸN TÌNH ĐỒNG ĐỘI”...Tất cả những danh hiệu cao quý mà nhà nước đã trao tặng ông đó chắc có lẽ là chưa đủ so với những gì ông đã cống hiến cho nền y học nước nhà, bởi những thành công mà ông làm được cho đến nay không đơn giản chỉ là việc những người bệnh đã khỏi bệnh mà đằng sau đó là cả một niềm tin, một niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng của nền y học Việt Nam nói chung và sự thành công của phương pháp cấy chỉ do ông tiên phong nói riêng. Sự thành công ấy như chính ông đã nói ông cho đi cái “tâm” và cũng chỉ mong muốn nhận lại cái “tình”, tình nghĩa, tình đời và hơn hết là tình người cao cả.
 
 
 

Nhạc nền