Mổ đẻ hay mổ lấy thai ? Lời bàn của các bác sĩ!
Bác sĩ sản khoa "bật mí" chuyện mổ lấy thai
SKĐS - Mình đã dự một số Hội nghị và đọc một số báo cáo nêu lợi ích và bất lợi của mổ lấy thai. Nhưng rồi mổ lấy thai vẫn cứ càng ngày càng tăng theo hằng năm. Nếu thấy một số nước phát triển, họ vẫn khuyến khích bệnh nhân sinh thường chứ đâu có mổ nhiều như bây giờ. Ngày đi học và những năm mới ra trường, phẫu thuật viên còn trăn trở chỉ định ca này đúng hay không? Sớm hay muộn...? Không biết bây giờ còn mấy người nghĩ đến điều này?
Ngày xưa, bác sĩ nào giúp cho bệnh nhân sinh qua đường âm đạo nhiều và không tai biến sẽ được khen trong các buổi giao ban. Bây giờ, tâm lý ấy không còn nữa, trừ một số người tâm huyết với nghề... Mình nói vậy có quá không?
Trong một ca trực sản, bác sĩ bây giờ ít khám bệnh vì không có thời gian. Họ bận luôn trên phòng mổ thì đâu còn thời gian để khám. Không hẳn tất cả các bệnh nhân đều phải mổ, nhưng bây giờ, ngoài một số lý do chính đáng được học từ sách vở, còn nhiều lý do khác làm cho họ không có thời gian ở tại phòng sinh, người nhà yêu cầu không phải theo dõi, đã gửi cho mình rồi thôi thì mổ quách đi, đẻ được không ai khen, lỡ có tai biến... không biết có bị khiển trách, có lên trụ điện hay mặt báo ngày mai không? Và vậy là mổ lấy thai cứ tăng vùn vụt. Mình làm trong nghề và bệnh viện công mà còn thấy chóng mặt.
Mình biết trong số này, áp lực từ người nhà không ít. Người nhà không hiểu nguy cơ mổ lấy thai nguy hiểm như thế nào trong mỗi ca mổ và lần đẻ sau, cứ thấy con cháu mình đau đẻ là họ thấy khổ sở..., vậy là cứ trình cứ bẩm, cứ sốt ruột và không kiên nhẫn xin cho người nhà em mổ tốn kém mấy cũng chịu. Tư vấn có người hiểu, có người không chịu nghe và tâm lý sợ đổ thừa đã làm tăng thêm mổ lấy thai. Thực sự nếu kiên trì giải thích họ cũng hiểu nhưng mấy ai đủ sức kiên nhẫn, chưa kể một số người nhà ngoan cố vào xin mổ với khuôn mặt hình sự. Không ai còn dám để lại theo dõi. Lại thêm một số phụ nữ công sở vẫn sợ đau đẻ và không biết ai tư vấn cho họ chuyện sinh đẻ ảnh hưởng đến khu “vui chơi, giải trí” sau này nên không biết có phải vì tâm lý sợ đau đẻ hay vì yêu chồng, họ tha thiết xin mổ, không chờ đau đẻ... và một số bác sĩ đáp ứng nhu cầu này ngay mà không chờ chuyển dạ.
Tuy nhiên, mình không đồng ý với luận điểm... “vào phiên trực bác giúp cho”. Và mỗi sáng, cứ nhận ca trực, các nữ hộ sinh phải chạy xét nghiệm vội vã những ca bác hẹn để mổ cho kịp, mặc dầu bệnh nhân chưa chuyển dạ. Bác sĩ cũng có xem bệnh cũ và cả bệnh mới ấy chứ. Có ca nào nữa ta giải quyết luôn thể, người nhà và bệnh nhân đôi khi bất ngờ vì chuyện mổ. Và một vài người xin... “Bác ơi! Em chưa có người nhà hoặc em muốn đẻ hơn muốn mổ...”. Thỉnh thoảng mình đùa: “Quen bác sĩ ăn dao”...
Một số sản phụ được theo dõi đúng bài bản sau mấy tiếng đồng hồ, bác sĩ giải thích không đẻ được, cần phải mổ lấy thai. Vậy là người nhà đâm ra trách móc. Sao bác sĩ không mổ sớm, để con em đau mất sức. Họ không biết theo dõi một ca sinh qua âm đạo mệt hơn một ca mổ lấy thai. Và điều này đã làm bác sĩ sản khoa không còn nhiệt tình trong theo dõi và dần dần một ca sinh qua đường âm đạo có thể chuyển sang mổ lấy thai lúc nào không biết, cứ vậy, mổ lấy thai gia tăng...
Và rồi một vết mổ lấy thai mới trở thành một vết mổ cũ trong lần có thai sau... Và bao nhiêu nguy cơ: dính vết mổ, dính ruột, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược... Thú thật, sau bao nhiêu năm, mình vẫn cứ sợ khi đứng trước một ca vết mổ cũ.
Làm thế nào để hạn chế mổ lấy thai không đúng chỉ định và sinh qua đường âm đạo không tai biến vẫn là nỗi trăn trở của nhiều người.
BS. Trinh Nguyễn
http://suckhoedoisong.vn/bac-si-san-khoa-bat-mi-chuyen-mo-lay-thai-n74016.html
KÍ ỨC NGHỀ NGHIỆP, ĐÔI LỜI SẺ CHIA!
Tôi là bác sĩ quân y, sau được đào tạo chuyên ngành Đông y, thủa còn thơ được sống trong lòng một Trạm xá cơ quan nơi mẹ tôi công tác, sơ tán tại Yên Phong - Hà Bắc (cũ), nay là Bắc Ninh, cách Hà Nội 30 km, mẹ tôi vốn là một nữ hộ sinh được đào tạo trong kháng chiến chống Pháp. Thửa ấy, mấy mẹ con sống 1 gian nhà cấp 4 của cơ quan, cách phòng đẻ chỉ 2 gian nhà thôi. Thỉnh thoàng, có ca sinh nở của cán bộ, học viên là mẹ tôi là người trực tiếp đỡ đẻ, thi thoảng giúp cho cả bà con địa phương. Trong vài năm trời, kí ức thời thơ bé cũng thấy kha khá những ca sinh nở tại cái trạn xá bé con ấy, mà chả ca nào phải mổ cả! Cũng chẳng thấy ca đẻ nào phải chuyển tuyến trên, một mình mẹ tôi đỡ đẻ được chu toàn mọi nhẽ. Cho đến nay, có những đứa trẻ (giờ cũng trên 40 tuổi) mẹ tôi đỡ đẻ năm nào cũng vẫn ra HN thăm cụ!
Giờ, nhìn thấy cặp vợ chồng nào sinh đẻ cũng hướng tới mổ! Nghĩ cũng hãi! Tôi cũng có cùng suy nghĩ với đồng nghiệp, nên đẻ tự nhiên cũng là thuận theo lẽ tự nhiên của Đất, của Trời! Chỉ trừ trường hợp thai quá to, mẹ quá yếu mà BS tiên lượng nên mổ thì cũng nên theo chỉ định của thầy thuốc.
Ngồi PK bây giờ, đôi khi có bà mẹ mang con đến khám, mắc bệnh thiểu năng trí tuệ. Hỏi kỹ mới biết đã từng đẻ tại BV có danh tiếng, vào viện đẻ không ít tiền, thế nhưng vỡ ối ngày trước ngày sau BS mới mổ cho! GS Bền bảo, 1 lũ tắc trách để con người ta thế này! Của đáng tội. Giờ mà kiện thì cũng có kẻ phải chịu trách nhiệm!
Một đứa trẻ không nên người là một gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Chỉ vì không cho mổ sớm mà nên nỗi ! Gia đình bên nội thì bảo "phúc đức tại Mẫu. Mẹ nó thế nào thì nó mới thế chứ!" Ô hay, nếu đẻ được đứa con thông minh dĩnh ngộ, chắc chắn họ sẽ bảo "Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh!"
Có ca bệnh nhi bại não, chẳng đi lại được mà đầu cũng chẳng cất lên được, mẹ đẻ tại BV HY. Hỏi thì mẹ cháu bảo: Cháu vỡ ối 6 tiếng sau không đẻ được, BS mới cho mổ, mổ ra con cháu chẳng khóc được, mãi mới ọ ẹ được tí. Giờ thì nó thể này ông ạ!
Tôi mới lên chức "có cháu đít tôn"! Hai vợ chồng con tôi muốn mổ đẻ, BV ấy có dịch vụ chọn thầy thuốc, chọn giờ mổ. Thôi thì cũng tốt, chí ít cũng yên tâm cháu đít tôn không bị ngạt mà mắc bệnh tự kỷ, bại não, thiểu năng trí tuệ! Thôi thì cũng là một lý do động viên cho mình, cho con cái! Cũng vẫn cái lo canh cánh bên mình, cầu Trời khấn Phật cho con cháu mình được Mẹ tròn, con vuống. Biết được giờ BS hẹn mổ, ông nội cũng phải chạy vào viện mới yên tâm, xem con cháu mình thế nào mới yên tâm được! Nhưng ước gì được như ngày nào, dù chỉ đơn sơ nới trạm xá nghèo, một bà nữ hộ sinh (quân y) mà bao đứa trẻ ra đời vẫn lành lặn, trưởng thành. Nay, cả BV lớn, ở TW, trang bị hiện đại sao vẫn để nhiều cháu sinh ra tật nguyền vì đẻ ngạt, vỡ ối lâu mẹ không đẻ được mà vẫn phải nằm chờ đến giờ BS mới mổ cho! Thật đúng là cảnh "đau đẻ chờ sáng giăng!".
Ngày còn sinh viên quân y, đi thực tập tại 1 BV tỉnh, một lần tôi được giao nhiệm vụ thực tập"đỡ đẻ" một ca thai phụ 17 tuổi, thai 7 tháng, phá thai theo phương pháp đặt Kovax. Trời sui đất khiến cũng đỡ được thằng bé ra, nhưng người nó trắng bệnh, không khóc được 1 tiếng. Sau đó ít ngày, trong ca trực đêm tại BV Hà Đông, 1 ca sản phụ phong huyết tử cung rau (rau bong non). Tôi chỉ phụ mổ, mổ lấy thai ra 1 thàng bé con bụ bẫm, cũng chẳng khóc được câu nào. Loay hoay mang ra lau người cho bé, bóp bóng ô xi cũng chẳng xong, nhìn thằng bé bụ bẫm mà không thể cứu được, mới để người khác mang cháu ra ngoài! Cũng thật là đáng tiếc! Người sản phụ ấy mang thai con đầu lòng, chỉ vì ngã chấn thương mà phải mổ, rồi cắt bỏ toàn bộ dạ con, không còn khả năng sinh nở nữa! Thật là đáng tiếc lắm thay!
BS Quách Tuấn Vinh