Bệnh huyết áp thấp – Kiến thức phòng ngừa, chữa trị cho người bệnh
Bệnh huyết áp thấp – Kiến thức phòng ngừa, chữa trị cho người bệnh
Thế nào là huyết áp thấp?
Trong khi nhiều người lo sợ vì huyết áp cao và những biến chứng nguy hiểm mà huyết áp cao mang lại thì ngược lại, có rất ít người quan tâm đến huyết áp thấp. Theo khuyến cáo từ các bác sỹ tim mạch, bất kỳ sự tăng hay giảm huyết áp so với mức bình thường đều là những dấu hiệu nguy hiểm. Ở bài viết này, chúng tôi xin đưa ra những kiến thức tổng quan nhất và huyết áp thấp. Mời bạn đọc cùng theo dõi.
Huyết áp thấp với những dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu chóng mặt. Ảnh minh họa
Thế nào là huyết áp thấp?
So với mức huyết áp bình thường là 120/80mmHg, người bị huyết áp thấp thường có trị số huyết áp tối đa thấp hơn 100 mmHg, phổ biến là thấp hơn 90/60mmHg.
Ngoài phương pháp kiểm tra huyết áp bằng cách đo huyết áp bằng các máy đo huyết áp điện tử hoặc tới kiểm tra tại các trung tâm y tế, người bệnh cũng có thể theo dõi trị số huyết áp bằng các dấu hiệu cảnh báo từ sức khỏe. Nhiều người bệnh bị huyết áp thấp thường có chung những biểu hiện bên ngoài như mệt mỏi, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu nhất là khi họ phải thay đổi tư thế đột ngột.
Những người có nguy cơ cao bị huyết áp thấp?
Dưới đây là một số người có nguy cơ bị huyết áp thấp:
Phụ nữ mang thai : Phụ nữ mang thai không chỉ đối diện với nguy cơ huyết áp cao (người ta gọi là tăng huyết áp thai kỳ) mà còn phải đối diện với nguy cơ huyết áp thấp. Cụ thể trong khoảng 24 tuần đầu của thai kỳ, huyết áp tâm thu thường giảm năm đến 10 điểm và huyết áp tâm trương giảm nhiều từ 10 – 15 điểm. Điều này là hết sức bình thường, các trị số huyết áp có thể trở lại bình thường như trước thời kỳ mang thai sau khi người phụ nữ sinh con.
Người bị các vấn đề về tim: Một số bệnh nhân bị tim mạch có thể dẫn đến huyết áp thấp bao gồm nhịp tim rất thấp (nhịp tim chậm), các vấn đề van tim, đau tim và suy tim. Các điều kiện này có thể gây hạ huyết áp, vì ngăn chặn cơ thể có thể lưu thông máu đủ.
Người mắc các bệnh về nội tiết.: Đó là những người có tuyến giáp kém, hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức, cả 2 hiện tượng này có thể gây hạ huyết áp. Ngoài ra, một số người bị suy thượng thận (bệnh Addison), đường huyết thấp (hạ đường huyết) và trong một số trường hợp, bệnh tiểu đường có thể gây ra huyết áp thấp.
Người bị mất nước : Khi cơ thể bị mất nước, có thể dẫn đến tình trạng cơ thể yếu, chóng mặt và mệt mỏi. Sốt, nôn mửa, tiêu chảy nặng, lạm dụng thuốc lợi tiểu và tập luyện vất vả tất cả có thể dẫn đến mất nước.
Người bị mất máu: Mất máu do ảnh hưởng của vết thương lớn hoặc chảy máu nội bộ làm giảm lượng máu trong cơ thể, dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng về huyết áp.
Người bị nhiễm trùng nặng: Nghiễm trùng trong cơ thể đi vào máu có thể dẫn đến hiện tượng nhiễm khuẩn huyết, từ đó có thể dẫn đến đe dọa mạng sống, huyết áp giảm được gọi là sốc nhiễm khuẩn.
Người bị dị ứng trầm trọng (hay còn gọi là sốc phản vệ). Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, và có thể gây khó thở, nổi mề đay, ngứa, sưng cổ họng và hạ huyết áp.
Người bị thiếu chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống : Tình trạng thiếu các vitamin B – 12 và folate có thể gây ra thiếu máu, một tình trạng mà cơ thể không sản xuất đủ các tế bào máu đỏ, gây ra huyết áp thấp.
Người phải sử dụng thuốc điều trị gây huyết áp thấp: Một số loại thuốc có thể gây tác dụng phụ là giảm huyết áp như thuốc lợi tiểu (thuốc nước), alpha blockers, Beta blockers, Thuốc cho bệnh Parkinson, một số loại thuốc chống trầm cảm (thuốc chống trầm cảm ba vòng), Sildenafil (Viagra), đặc biệt kết hợp với một thuốc tim, nitroglycerine.
Người bị huyết áp thấp nên làm gì?
Về chế độ dinh dưỡng, người bị huyết áp thấp nên lưu ý một số vấn đề sau:
Nên ăn mặn hơn người bình thường. Người huyết áp thấp nên ăn 10-15g mỗi ngày
Ăn nhiều chất dinh dưỡng. Đặc biệt với những người gầy, nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng để cân nặng ổn định.
Bổ sung chất đạm như thịt, cá trong mỗi bữa ăn. Tăng cường trứng, đậu tương, tăng ăn rau và quả bổ sung vitamin, chất xơ và chất khoáng. Nên ăn nhiều bữa nhỏ để dễ tiêu, Uống các loại nước có tác dụng nâng huyết áp như trà sâm, trà gừng, trà đặc, cà phê.
Không nên dùng những thức ăn có tính lợi tiểu như rau cải, râu ngô, dưa hấu, bí ngô…
Về sinh hoạt, luyện tập người bị huyết áp thấp cũng nên lưu ý một số vấn đề sau:
Sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc (khoảng 7 – 8 h mỗi ngày)
Sinh hoạt điều độ. Đêm phải ngủ đủ giấc (7-8 h / ngày). Người bị huyết áp thấp rất hay bị hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế, nên khi ngồi dậy phải từ từ. Nằm ngủ nên để đầu thấp, chân cao.
Một số comment cho người bị huyết áp thấp là nên tắm nước nóng để tăng cường lưu thông máu nhưng đừng tắm quá lâu.
Người bệnh cũng nên giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, và nhất là bình tĩnh. Những xúc động quá mạnh như sợ hãi, lo lắng, buồn nản có thể làm huyết áp hạ thêm.
Về chế độ luyện tập, người bệnh nên tập thể dục thể thao dều đặn, mỗi ngày nên tập thể dục ít nhất 10-15 phút. Có thể bắt đầu từ những môn nhẹ như đi bộ, cầu lông, bóng bàn, rồi nặng hơn như chạy, bơi, tenis, điền kinh, cử tạ…Nên tránh các môn dễ gây chóng mặt như nhào lộn, nhảy đu ..
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Thường thì chúng ta e ngại bị cao huyết áp, nhiều hơn là thấp huyết áp. Vì sợ bị rơi vào cảnh liệt hạ chi đi xe lăn vì tai biến mạch máu não hoặc bị suy thận suy tim, những biến chứng trầm trọng của “tên sát nhân thầm lặng” này .
Tuy nhiên, nếu huyết áp quá thấp thì lại có nhiều rủi ro cho sức khỏe, đôi khi đe dọa tới tính mệnh.
Huyết áp là sức ép của máu lên lòng động mạch khi trái tim thu bóp để đấy máu vào động mạch và khi tim trương giãn ra để tiếp nhận máu.
Huyết áp được đo theo đơn vị mili mét thủy ngân (mmHg), với hai con số: số trên là huyết áp tâm thu (systolic) và số dưới là huyết áp tâm trương (diastolic).
Huyết áp thay đổi tùy theo thời gian trong ngày: thấp nhất vào ban đêm khi ngủ, cao hơn khi thức dậy; buổi chiều cao hơn buổi sáng, nhất là khi đi lại, lao động chân tay, tinh thần căng thẳng.
Huyết áp cũng thay đổi tùy theo tư thế cơ thể.
Khi ngồi huyết áp tâm trương cao hơn nằm khoảng 5mmHg. Ngồi không dựa lưng, tâm trương cao hơn 6mmHg. Ngồi chéo cẳng chân, tâm thu tăng từ 2-8mmHg. Ngồi mà tay buông thõng, HA cao hơn là khi tay dơ cao.
Cơ thể rất nhạy cảm với sự thay đổi huyết áp, đặc biệt là một số tế bào ở thành động mạch. Khi huyết áp đột nhiên tăng hoặc giảm, các tế bào này sẽ can thiệp khiến cho huyết áp trở lại mức trung bình để có đủ máu chuyển tới các cơ quan sinh tử như tim, não, thận.
HA ở tay trái hoặc tay phải không khác biệt mấy, tuy nhiên nếu đo lần đầu, nên đo cả hai bên để so sánh.
Hiện nay các nhà chuyên môn coi huyết áp bình thường là bằng hoặc dưới 120/80, lý tưởng là 115/75.
Thế nào là huyết áp thấp
Các nhà y học cũng đồng ý với nhau là huyết áp thấp khi một trong hai kết quả bằng hoặc dưới 90 cho tâm thu, 60 tâm trương. Như vậy nếu có kết quả 115/50 thì là huyết áp thấp.
Đây là con số chung chung, với người này là thấp nhưng lại bình thường với người khác vì họ không có các khó khăn dấu hiệu bệnh như chóng mặt, sỉu hoặc bất tỉnh.
Người tập luyên cơ thể, các lực sĩ thường hay có huyết áp và nhịp tim hơi thấp hơn bình thường mà họ vẫn khỏe mạnh.
Có nhiều loại thấp huyết áp khác nhau:
a-Thấp với tư thế đứng (Orthostatic hypotension).
Chẳng hạn khi đang nằm hoặc ngồi mà đứng lên, nhất là với động tác quá nhanh, đứng xếp hàng lãnh “tem phiếu” cả nửa ngày, đứng lâu khi tắm hoa sen, đôi khi do ngồi làm việc liên tục nhiều giờ.
Bình thường, khi đổi tư thế như vậy, sẽ có khoảng từ 300-800 cc máu dồn xuống phần dưới cơ thể theo sức hút của trái đất, khiến cho não thiếu dinh dưỡng. Con người cảm thấy xây xẩm, lảo đảo, chóng mặt.
May mắn là cơ thể đã có sẵn một số đáp ứng tim mạch, thần kinh, sinh hóa để đối phó với rủi ro này. Chẳng hạn các cơ bắp ở hạ chi co hẹp, thành bụng ép vào tĩnh mạch đẩy máu từ dưới ngược lên phía trên. Do đó hậu quả của huyết áp thấp chỉ thoảng qua khoảng dăm ba giây-phút. Nếu các cơ chế này hoạt động kém hữu hiệu, hậu quả sẽ lâu dài.
Hiện tượng này thường thấy ở người cao tuổi hoặc người suy nhược, nhưng đôi khi cũng có ở người trung niên khỏe mạnh khi họ ngồi lâu với cẳng chân bắt chéo rồi bất chợt đứng dậy.
Nguyên nhân có thể do tác dụng của một số dược phẩm, khiếm khuyết hồi huyết tĩnh mạch, giảm khối lượng máu, suy tim, rối loạn thần kinh.
Trong trường hợp này, các nhà chuyên môn coi thấp huyết áp là khi tâm thu giảm ít nhất 20mmHg, tâm trương giảm ít nhất 10mmHg sau khi đứng dậy khoảng 3 phút.
b-Thấp do rối loạn liên lạc giữa thần kinh tim-não
Khi đứng quá lâu, huyết áp thường thấp, nhưng cơ thể có thể điều chỉnh để bình thường hóa.
Tuy nhiên, ở một số người, nhất là giới trẻ thì cơ chế điều chỉnh này không làm việc đúng đắn. Thay vì báo động huyết áp thấp, thần kinh tại tim lại phát ra tín hiệu ngược lại (huyết áp cao), não bộ bèn giảm nhịp tim và hạ huyết áp. Máu đưa xuống phần bụng và hạ chi nhiều, lên não ít. Tình trạng trở nên xấu và bệnh nhân cảm thấy xây xẩm, quay cuồng.
c-Thấp sau bữa ăn (Postprandial hypotension)
Trong vòng 2 giờ sau khi ăn, huyết áp có thể giảm tới 20mmHg, đặc biệt là ở người tuổi cao, người đang bị cao huyết áp, có bệnh tim mạch, người già có tiền sử té ngã, người đang dùng thuốc trị cao huyết áp. Sự kiện này có thể gây ra ngất sỉu, cơn đau thắt ngực, chóng mặt, mệt, buồn nôn, mờ mắt thậm chí cả stroke nữa.
Có nhiều cách giải thích:
Như là sau khi ăn, máu tụ nhiều ở cơ quan nội tạng (ruột, bao tử) để giúp sự tiêu hóa thực phẩm, giảm khối lượng máu cho các bộ phận khác (não).
Hoặc là sau bữa ăn có sự giảm lượng máu từ tim đưa ra;
Hoặc thấp huyết áp là do tác dụng của insulin làm giảm đường huyết kéo theo giảm huyết áp;
Hoặc sự quá giãn tĩnh mạch ngoại vi.
Bình thường thì cơ thể điều chỉnh được bằng cách tăng lượng máu bơm ra từ tim và co mạch máu ngoại vi. Nhưng ở nhiều người, cơ chế này “trục trặc”, thiểu tuần hoàn não, khiến con người lảo đảo, quay cuồng.
Nguyên nhân gây ra thấp huyết áp
a-Giảm khối máu do mất nước tại các mô cơ thể vì ói mửa, tiêu chảy, nóng sốt, dùng nhiều thuốc lợi tiểu, phỏng nặng, vận động quá mức với đổ mồ hôi. Máu lưu thông giảm, huyết áp thấp, không đủ dưỡng khí nuôi tế bào, cơ thể mệt mỏi, yếu, chóng mặt.
Nếu mất nước quá nhiều và không được điều trị bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng shock, nguy hiểm tới tính mạng.
b-Nội ngoại xuất huyết đều giảm khối lượng máu và đưa tới thấp huyết áp.
c-Trong thời gian có thai, mạch máu giãn mở, giàm sức ép của máu lên động mạch do đó áp huyết áp xuống thấp khiến cho bà bầu hay chóng mặt. May mắn là huyết áp sẽ trở lại bình thường sau khi sanh.
d-Một số bệnh tim như suy tim, rối loạn van tim, nhịp tim chậm, cơn suy tim đều làm huyết áp xuống thấp vì máu lưu hành ít đi.
đ-Mấy bệnh nội tiết như tiểu đường, nhược hoặc cường tuyến giáp, đường huyết thấp.
e-Nhiễm trùng huyết, cơn dị ứng trầm trọng, dinh dưỡng thiếu sinh tố B12, folic acid.
g-Dược phẩm như thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch, thuốc viagra, vài loại thuốc chống trầm cảm, thuốc chống đau, rượu.
h-Bệnh Parkinson, chấn thượng sọ não, ngộ độc hóa chất, phản ứng với thuốc, suy gan, nằm bất động quá lâu.
Dấu hiệu, triệu chứng
Các dấu hiệu thường thấy gồm có chóng mặt, ngất sỉu, buồn ngủ, kém tập trung, buồn nôn, mờ mắt, hơi thở nhanh, da lạnh, khát nước.
Khi huyết áp thấp trầm trọng, bệnh nhân có thể bị trụy tuần hoàn (shock).
Điều trị
Thấp huyết áp ở người khỏe mạnh mà chỉ có chóng mặt thoảng qua khi đứng lên ngồi xuống thường thường không cần đến trị liệu.
Với các trường hợp nặng, điều trị nguyên nhân gây ra huyết áp thấp có thể giái quyết được vấn đề.
Trường hợp huyết áp xuống rất thấp gây ra shock thì cần được cấp cứu tại bệnh viện.
Bác sĩ có thể cho dùng dược phẩm tăng khối máu (fludocortione, clonidine, viên ngừa thai); thuốc co mạch (midrodine, ritalin, vài loại chống trầm cảm) hoặc thuốc điều khiển sản xuất epinephrine/norepinephrine (ức chế beta atenolol, propanolol) để nâng huyết áp.
Phòng tránh
Các phương thức sau đây được áp dụng để giảm thiều dấu hiệu triệu chứng của huyết áp thấp:
1-Uống nhiều nước để ngăn ngừa cơ thể khô nước và nâng cao huyết áp.
2-Dùng thêm muối có thể nâng cao huyết áp, nhưng cần được bác sĩ hướng dẫn để tránh rủi ro suy tim.
3-Mang tất đàn hồi để tránh máu tụ ở hạ chi, nhờ đó máu nhiều hơn ở phần trên cơ thể.
4-Tránh uống rượu vì rượu làm mất nước và làm giãn mạch.
5-Đừng đứng quá lâu; từ từ đứng lên khi nằm hoặc ngồi.
6-Có huyết áp thấp sau khi ăn: không nên uống thuốc chống huyết áp trước khi ăn; tránh đứng bất thình lình và nên nằm nghỉ sau khi ăn; giảm tinh bột trong phần ăn, chia phần ăn làm nhiều bữa nhỏ.
7-Với một số người, nước uống có caffeine làm co mạch nhưng nên uống vào buổi sáng để tránh khó ngủ ban đêm.
8-Nằm ngủ với gối hơi cao hơn chân có thể giảm triệu chứng bằng cách giữ lại natri, bớt tiểu đêm.
9-Khi đứng lâu: một chân co hoặc để trên ghế; lâu lâu ngồi xuống hoặc cúi mình về phía trước, để tay lên đầu gối.
Khi nào cần đi khám bệnh
Thấp huyết áp mà lại thêm đau ngực, nhiệt độ cơ thể trên 101◦ F (38.3 ◦C), rối loạn hô hấp, tim đập không đều, tiêu chầy và nôn ói kéo dài, ho ra đàm, không ăn uống được, đều cần đi bác sĩ ngay để được khám bệnh và điều trị.
Kết luận
Một trong những triết lý sống khá hay của người Á Đông là không thái quá mà cũng chẳng nên bất cập.
Cao quá cũng có hại mà thấp quá cũng mang lại rủi ro. Cho nên cứ “Trung Dung”, cố gắng giữ huyết áp suýt soát 120/80 là tốt hơn cả.
Đó là điều mong ước của mọi người.
Nguyễn Ý-Đức, M.D.
Texas-Hoa Kỳ
(www:nguyenyduc.com)