ÔNG BÁC SĨ "CẤY CHỈ" (Báo Người lao động)

17 giờ, phòng khám tít trên cái gác xếp tầng 6 khu tập thể phố nhà binh của bác sĩ Quách Tuấn Vinh vẫn chưa hết người đến chữa bệnh. Từ ngày ông rời khỏi chức Chủ nhiệm Quân y Tổng cục Chính trị, bác sĩ Phòng Bảo vệ sức khỏe Trung ương 1 - nơi chuyên chăm sóc sức khỏe các tướng lĩnh và lãnh đạo cấp cao, khu tập thể vốn yên tĩnh này đâm ra nhộn nhịp http://nld.com.vn/suc-khoe/ong-bac-si-cay-chi-249014.htm

13/12/2008 22:59

17 giờ, phòng khám tít trên cái gác xếp tầng 6 khu tập thể phố nhà binh của bác sĩ Quách Tuấn Vinh vẫn chưa hết người đến chữa bệnh. Từ ngày ông rời khỏi chức Chủ nhiệm Quân y Tổng cục Chính trị, bác sĩ Phòng Bảo vệ sức khỏe Trung ương 1 - nơi chuyên chăm sóc sức khỏe các tướng lĩnh và lãnh đạo cấp cao, khu tập thể vốn yên tĩnh này đâm ra nhộn nhịp

Đông bệnh nhân như vậy, nhưng tuyệt nhiên phòng khám và cũng là căn hộ của ông luôn yên tĩnh, thoáng đãng. Đơn giản, mỗi bệnh nhân chỉ đến gặp ông trong 15 – 20 phút rồi về, 15 ngày sau mới phải quay lại, không một ai phải nội trú.

Bước khởi đầu

Kỹ thuật châm cứu bằng phương pháp cấy chỉ ra đời từ năm 1964 tại Trung Quốc bằng việc rạch da, đưa chỉ tự tiêu vào huyệt rồi khâu lại. Vì thế cấy chỉ còn gọi là cấy catgut, chôn chỉ, vùi chỉ... là một phương pháp châm cứu hiện đại. Phương pháp này đã được áp dụng tại Việt Nam từ thập niên 70 của thế kỷ trước.

Từ năm 1970, giáo sư Bành Khừu và cộng sự đã thực hiện cấy chỉ chữa một số chứng bệnh tại Bệnh viện 108. Năm 1982, Viện Châm cứu Trung ương đã thực hiện cấy chỉ điều trị cho trẻ em bị bại liệt. Năm 1983, cấy chỉ đã được bác sĩ Lê Thúy Oanh thực hiện tại Bệnh viện 91, để điều trị hen phế quản, viêm phế quản...

Theo học tây y tại Học viện Quân y, nhưng ngay từ ngày còn nhỏ, ông đã đam mê châm cứu và những phương thuốc bí truyền phương Đông cất giữ trong tủ sách gia đình. Hình ảnh ông ngoại, một cụ lang đông y nổi tiếng sáng sáng ngồi mài những chiếc kim nhỏ xíu dùng để châm cứu đã ăn sâu vào tâm trí bác sĩ Vinh.

Nhìn trong album ảnh có tấm hình bác sĩ Quách Đình Tuấn, nguyên viện trưởng một viện điều dưỡng của Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ NN-PTNT). “Thầy dạy và là cha ruột tôi đấy”- bác sĩ Vinh khẽ nói. Trong những ngày theo học ở Học viện Quân y, ông vẫn tự mày mò nghiên cứu kỹ thuật châm cứu, đặc biệt là kỹ thuật cấy chỉ.

Không có người để “thí nghiệm”, ông tự dùng kim châm vào các huyệt đạo trên người mình, bắt đầu từ những chứng bệnh thông thường như nhức đầu sổ mũi. Dần dà, ông tiến tới “thực tập” cấy chỉ vào người ông chú ruột vốn đang mắc căn bệnh loét dạ dày tá tràng, suốt ngày khổ sở chuyện ăn uống, kiêng khem. Mà hiệu nghiệm thật, 3 tháng sau, ông chú đã lại ăn ớt, uống rượu được.

Được đà, năm 1985, khi đi thực tế ở trung đoàn 66, sư 10, quân đoàn 3, ông đã lần lượt chữa khỏi căn bệnh loét dạ dày tá tràng cho hơn 30 cán bộ chiến sĩ bằng phương pháp cấy chỉ. Kết quả là đề tài “Cấy chỉ bằng phương pháp cải tiến chữa bệnh viêm loét dạ dày tá tràng” được ông báo cáo ở Học viện Quân y.

Bác sĩ Quách Tuấn Vinh cho biết nếu như châm cứu thông thường, tác động của cây kim vào huyệt đạo chỉ có tác dụng trong lúc châm và một thời gian sau nên mỗi đợt điều trị phải kéo dài liên tục 15 - 30 ngày, rồi nghỉ, sau đó lại tiếp tục một đợt 15 ngày khác thì cấy chỉ là kỹ thuật châm cứu hiện đại, đưa sợi chỉ tự tiêu vào huyệt đạo, giống như một mũi kim liên tục ấn huyệt, tới khi sợi chỉ tiêu đi thì mới phải “châm” lần tiếp theo.

Phương pháp Quách Tuấn Vinh

Nghe nhà văn Bùi Bình Thi đi “quảng cáo” rằng nhà văn Ma Văn Kháng mắc căn bệnh viêm xoang đã vài chục năm nay, thầy thợ mãi chả khỏi. Vậy mà chỉ mới sau hai lần được ông Thầy thuốc Ưu tú Quách Tuấn Vinh cấy chỉ, đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ bảo trên phim X-quang của nhà văn đã không còn dấu hiệu của viêm xoang nữa. Vốn sợ các nhà văn hay “điển hình hóa”, phải đến tận nhà bệnh nhân ông Vinh mới tin được.

Về đến đầu làng Chân Lạc, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh hỏi anh thanh niên Ngô Huy Tuấn, cô bán hàng tạp hóa khẽ à một tiếng rồi quen miệng nói anh Tuấn “viêm não”. Trước mặt tôi là cậu thanh niên lừng lững khỏe mạnh, mặc quần bò áo phông. Thế mà bố mẹ cậu ta bảo, 18 năm trước cậu từng như cái giẻ khoai vắt vai.

Căn bệnh viêm não 18 năm trước, ở tuổi lên 5 khiến cậu bị di chứng liệt, người cứng còng như khúc gỗ bất chấp bố mẹ đã “vái tứ phương”. Trong tâm trạng tuyệt vọng, bố mẹ cậu mang con đến gặp bác sĩ Vinh. Ấy thế mà chỉ hơn chục mũi cấy chỉ của 3 đợt điều trị, mỗi đợt cách nhau 15 ngày, giờ thì Tuấn là thế này đây.

Suốt mấy chục năm trong quân đội, là học trò của các giáo sư nổi tiếng như Hoàng Bảo Châu, Trần Thúy, Nguyễn Tài Thu, Bành Khừu, Dương Xuân Đạo, bác sĩ Quách Tuấn Vinh đã mạnh dạn nghiên cứu, khai phá một góc hẹp của chuyên ngành đông y, kế thừa quan điểm của tiền nhân “vạn bệnh nhất điểm”, ông mạnh dạn áp dụng cho nhiều bệnh chứng khác nhau và gặt hái được thành công. Phương pháp cấy chỉ bác sĩ Quách Tuấn Vinh đang tiến hành, có nhiều ưu điểm như: hiệu quả chữa trị cao hơn hẳn châm cứu truyền thống, rút ngắn thời gian điều trị cho người bệnh do mỗi lần chữa trị cách nhau vài ba ngày cho đến cả nửa tháng trời.

“Tại sao ưu việt thế mà cấy chỉ không thể thay thế cho phương pháp châm cứu thông thường”. Không trả lời ngay, khẽ cười, người thầy thuốc ưu tú kéo dài sự sốt ruột: “Chuyện là ở chỗ ấy đấy! Trước tôi, nhiều bệnh viện lớn và các bác sĩ khác đã tìm hiểu phương pháp này”.

Sáng tạo cây kim chuyên dùng

Tốt nghiệp quân y, ông theo học thêm 3 năm chuyên ngành đông y và phục hồi chức năng. Lúc đó kể cả tại Trung Quốc, mới có hai thủ thuật cắt chỉ: Đầu tiên là người ta dùng dao phẫu thuật, rạch da, đưa chỉ vào huyệt rồi khâu lại. Tiến đến là dùng kim khâu da để đưa chỉ tự tiêu vào huyệt. Rồi sau này và cho đến nay, Viện Châm cứu Trung ương dùng thủ thuật sử dụng kim chọc dò tủy sống để đưa chỉ vào huyệt. “Các phương pháp này đều hiệu quả cao, nhưng có cái khó là không tác động được vào nhiều huyệt cùng một lúc trong một lần điều trị và gây đau cho người bệnh.

Thậm chí, phải thực hiện trong cơ sở ngoại khoa, trong phòng tiểu phẫu và phải vô trùng tuyệt đối. Mỗi đợt điều trị lại phải kéo dài, tốn kém cả thời gian lẫn tiền bạc. Chính vì thế trong chỉ định điều trị - phục hồi chức năng còn hạn chế”. Sau mấy chục năm mày mò, từ cây kim tiêm rất thông dụng, ông đã tạo ra những chiếc kim chuyên dụng cho phương pháp cấy chỉ hiệu quả.

Bạn ông, bác sĩ Lê Thúy Oanh (hiện đang làm việc tại Hungary) đã cải tiến từ cây kim truyền máu của Pháp thành kim chuyên dụng cho cấy chỉ, nên đã giải quyết được những hạn chế bấy lâu. Nhưng biện pháp này lại có hạn chế là sử dụng phương tiện của châu Âu, chỉ phù hợp ở nước ngoài, còn đối với người Việt, nếu mỗi ngày sử dụng một cây kim như thế thì quá đắt.

Nghỉ hưu, không lúc nào ngơi cây kim khỏi tay nhưng bác sĩ Vinh vẫn có thời gian để viết sách, viết báo – ông là cộng tác viên ruột của Báo Sức khỏe & Đời sống và mấy tạp chí y học chuyên ngành, tạp chí gia đình... Hơn chục đầu sách của ông, từ Bệnh tim mạch – đôi điều cần biết cho đến Chữa bệnh béo phì... cuốn nào cũng được bạn đọc đón nhận bởi cách viết giản dị, dễ hiểu và dễ áp dụng.

Bài và ảnh: Anh Phương

Nhạc nền