Xử lý tăng huyết áp tại nhà như thế nào để tránh nguy hiểm cho người bệnh?

Đột quỵ não là một tai biến nguy hiểm cho người bệnh tăng huyết áp. Để phòng ngừa đột quỵ, người bệnh tăng huyết áp cần biết:

CƠN TĂNG HUYẾT ÁP THƯỜNG LÀ GÌ?

Cơn tăng huyết áp thường xảy ra không có nguyên nhân. Chảy máu cam, nhức đầu… là triệu chứng thường gặp nhưng không có tổn thương thần kinh và không có các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.


So với chỉ số huyết áp bình thường của người bệnh khi đo huyết áp lúc nghỉ ngơi, nếu huyết áp tối đa tăng ≥ 50 mmHg hoặc huyết áp tối thiểu tăng ≥ 40 mmHg thì được gọi là cơn tăng huyết áp thường.

XỬ LÝ CƠN TĂNG HUYẾT ÁP THƯỜNG NHƯ THẾ NÀO?

- Khi phát hiện cơn tăng huyết áp thường, người bệnh cần bình tĩnh, không hốt hoảng.

- Nên ngậm dưới lưỡi ½ - 1 viên sedusen 5mg hoặc ½ - 1 viên Tréxène 10mg.

- Nằm nghỉ ngơi yên tĩnh.

- Điều trị theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

CƠN TĂNG HUYẾT ÁP KỊCH PHÁT LÀ GÌ?

Là cơn tăng huyết áp do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường bao giờ cũng có các triệu chứng:

- Nhức đầu

- Đau tức ngực

- Hoa mắt, chóng mặt

- Nảy đom đóm mắt

- Có hiện tượng “ruồi bay”

- Khó thở

- Nôn mửa

- Mệt mỏi

Cơn tăng huyết áp kịch phát có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: tai biến mạch máu não, phù phổi cấp, suy tim, đau thắt ngực, co giật… đặt vấn đề sống chết của người bệnh trong thời gian ngắn.

CƠN TĂNG HUYẾT ÁP ÁC TÍNH LÀ GÌ?

Là cơn tăng huyết áp nặng, nguy hiểm, khi huyết áp tối đa đo được từ 220 mmHg trở lên hoặc huyết áp tối thiểu của người bệnh ≥ 120 mmHg.
Đây là tình trạng tăng huyết áp nặng, nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong.

Cơn tăng huyết áp ác tính thường kéo theo rất nhiều biến chứng xảy ra một cách dồn dập như:

- Người bệnh có triệu chứng khó thở, tức ngực, có thể có triệu chứng phù phổi cấp: khó thở, thở ra bọt màu hồng, không nằm được, ở tư thế nửa nằm nửa ngồi lại thấy dễ chịu hơn.

- Có các dấu hiệu suy tim như: phù, khó thở, gan to…

- Các triệu chứng suy thận tiến triển nhanh và nặng với các triệu chứng như đái ít hoặc có thể vô niệu, người bệnh bồn chồn, bứt rứt, nhức đầu, mệt mỏi..

- Người bệnh có thể có các triệu chứng xuất huyết dưới da, dưới niêm mạc hoặc chảy máu cam…

- Các triệu chứng xuất huyết ở võng mạc làm giảm thị lực, nhìn mờ, ruồi bay…

LÀM GÌ KHI BỊ TĂNG HUYẾT ÁP KỊCH PHÁT HOẶC TĂNG HUYẾT ÁP ÁC TÍNH?

- Cần để người bệnh thư giãn, ở tư thế nửa nằm ngửa nửa ngồi, tránh căng thẳng thần kinh… không được hoạt động thể lực, kể cả đi lại, tránh những tác động ngoại lực như: đánh gió, hô hấp, di chuyển mạnh…


- Cho người bệnh ngậm ½ - 1 viên seduxen 5mg hoặc 1 viên Tréxène 10mg và uống 1 viên Nifedipin retard 20mg hoặc Coversyl 4mg. Nếu không có các thuốc này có thể ngậm 3 – 5 giọt Adalat dưới lưỡi nhưng phải theo dõi chặt chẽ huyết áp. Một số trường hợp, huyết áp hạ quá nhanh do uống Adalat cũng gây tai biến mạch máu não dẫn tới tử vong. Uống thuốc lợi tiểu 1 – 2 viên Furosemid 40mg.

- Đây thực sự là một cấp cứu nội khoa, cần nhanh chóng khẩn trương mời bác sĩ thăm khám xử trí tại nhà và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu tiếp.

- 115 là số điện thoại cầu cứu bạn cần nhớ. Trung tâm cấp cứu có trách nhiệm xử trí bước đầu và chuyển người bệnh đến bệnh viện.
Chuẩn đoán sớm cơn tăng huyết áp và xử lý kịp thời có thể giúp người bệnh qua khỏi cơn tai biến nguy hiểm ảnh hưởng tới tính mạng.



Tác giả: BS. Quách Tuấn Vinh

Nhạc nền