Thực hư chuyện cấy chỉ huyệt đạo chữa khỏi nhiều bệnh nan y mà không cần phẫu thuật

Những năm về trước, cấy chỉ là một thuật ngữ khá xa lạ với người dân Việt Nam. Thế nhưng, giờ đây, cấy chỉ trở thành phương pháp điều trị - phục hồi chức năng hiệu quả đối với rất nhiều chứng bệnh nan y. Và người phát triển, đưa kỹ thuật này lên một tầm cao mới, không ai khác chính là Thầy thuốc ưu tú - Đại tá, BS Quách Tuấn Vinh.


Thực hư chuyện cấy chỉ huyệt đạo chữa khỏi nhiều bệnh nan y mà không cần phẫu thuật

Trưởng thành từ trong chiến tranh

Chúng tôi tới thăm Thầy thuốc ưu tú - Đại tá, BS Quách Tuấn Vinh vào một ngày đầu tháng sáu, khi mà tiết trời Hà Nội nắng như đổ lửa. Như một sự trùng hợp tình cờ, Trung tâm cấy chỉ - phục hồi chức năng Minh Quang của ông nằm ngay trên phố “nhà binh” Lý Nam Đế - con phố gắn liền với thơ ca, nhạc họa và “những đêm cô đơn sấu rụng ngoài phố vắng”. Bác sỹ Vinh để lại trong tôi ấn tượng lớn không chỉ với lối nói chuyện nhẹ nhàng, gần gũi, cách dẫn dắt vấn đề lôi cuốn mà còn bởi những trải nghiệm xương máu và nỗi niềm đau đáu với nghề y. 

Chiều muộn giữa bộn bề công việc, tiếp tôi ngay tại phòng khám của Trung tâm cấy chỉ-phục hồi Minh Quang, ông chưa vội chia sẻ về nghề và những năm tháng chữa bệnh cứu người mà thong thả kể về nỗi khắc khoải văn chương cùng tác phẩm truyện ngắn đầu tay Hoa ban trắng. Thế mới thấy, người đàn ông này đâu chỉ mang trong mình cốt cách người lính, cái Tâm của vị thầy thuốc mà còn có cả khí chất của một tâm hồn nghệ sĩ lớn.

Sinh ra trên mảnh đất Hà Nội, lớn lên ngay trong lòng một trạm xá, gia đình lại có truyền thống ngành y nên bác sỹ Vinh đã sớm quen với hình ảnh khám bệnh, cấp thuốc, tiêm truyền, châm cứu.

Nhớ lại những ngày tháng xưa cũ, ông trầm tư: “Ông ngoại tôi là một thầy thuốc Đông y. Nhiều hôm đi trên đường, ông thường kể cho tôi nghe những câu chuyện về cỏ cây và công dụng của từng vị thuốc. Học lớp 4, tôi được dạy cách bắt mạch, đến năm lớp 6 đã tập vác kim châm cứu. Từ đó, tôi bắt đầu hình thành suy nghĩ lớn lên mình sẽ là bác sỹ”.

 

BS Quách Tuấn Vinh đang cấy chỉ cho một bệnh nhân

Năm 1975, chàng trai trẻ Quách Tuấn Vinh xung phong đi bộ đội. Năm 1979, rời khỏi đoàn Thành Tô - bộ đội phòng không Hải Phòng, ông được quân đội đào tạo chuyên ngành Đông y và chuyên ngành phục hồi chức năng. Sau này, trải qua nhiều cương vị công tác, ông từng đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Quân y (Tổng cục Chính trị) và là bác sỹ Phòng Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương I, chuyên chăm sóc các tướng lĩnh và lãnh đạo cấp cao của Nhà nước.

Gánh trên mình trọng trách quan trọng, bác sỹ Quách Tuấn Vinh luôn tự nhủ với bản thân phải luôn cố gắng sáng tạo, tìm tòi những phương pháp chữa bệnh hiệu quả để giúp ích cho đời.

Điều trị bệnh bằng... đường kim mũi chỉ

“Tôi nhớ trong một đêm trực ở Viện 103, xe cứu thương chở đến 5 cô gái toàn là hạ sĩ, binh nhất của Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc bị trúng độc do ăn uống. Trực chính hôm ấy là bác sỹ Hồng khoa Đông y đã  tiến hành châm cứu cho bệnh nhân trên loa tai. Lạ kì, một cô gái đang nằm ôm bụng quằn quại, kêu khóc thảm thiết, thế mà chỉ với vài mũi châm, ít phút sau đã đỡ hẳn.

Bác sỹ Hồng vừa sang điều trị cho bệnh nhân khác, tôi mon men tới gần cô gái, soi đúng lỗ kim và châm lại. Lúc bấy giờ kĩ thuật của tôi chưa cao, cầm kim lên là rơi xuống, chưa kể việc châm cứu trên loa tai rất khó. Hiệu quả châm cứu trên loa tai đánh thức và khơi dậy niềm đam mê châm cứu trong tôi.Thấy châm cứu hay quá, tôi về nhà lấy sách của bố và ông ngoại mang vào trường học, mỗi ngày dành ra 1 tiếng đọc và nghiên cứu”
, bác sỹ Vinh kể lại.

Khoảng những năm 80, bác sĩ Nguyễn Xuân Triều khoa A3 Viện 103 có tiến hành nghiên cứu về cấy chỉ điều trị hen. Cậu sinh viên Quách Tuấn Vinh mặc dù rất tò mò về phương pháp này nhưng để được xem thầy thị phạm đâu có dễ.

Cấy chỉ là một hình thức châm cứu hiện đại bằng cách tác động lên một huyệt

Từ đó, cậu sinh viên Hà thành bắt đầu để tâm đến kỹ thuật cấy chỉ. Ông lân la hỏi anh em bạn bè, nhờ họ mô tả lại kỹ thuật để hiểu thêm về nó. Người đầu tiên ông áp dụng phương pháp cấy chỉ để trị bệnh là chú ruột của mình. 

Ông Đại tá, bác sĩ nhớ lại: “Dù chưa được xem ai cấy chỉ nhưng tôi suy lý kỹ thuật cấy chỉ cũng chỉ đơn giản vậy thôi. Năm 1983, chú tôi bị đau dạ dày. Tôi cấy cho ông vài mũi chỉ. Làm xong, chân ông sưng to nhưng vẫn phải trấn an rằng cấy chỉ nó phải thế, chú cứ yên tâm. Mấy ngày sau chỗ sưng ở chân hết hẳn. Thật tuyệt vời.

Chỉ sau hai lần cấy chỉ catgut vào huyệt đạo, ông chú đã khỏi bệnh, không hề bị tái phát, thậm chí sau này còn uống được cả rượu bia. Tết năm đó, ông vui vẻ khoe ăn được nửa cái bánh chưng”.

Hai năm sau, đi thực tập ở sư đoàn10, quân đoàn 3 đóng ở Thái Nguyên, ông đã cấy chỉ cho 34 cán bộ chiến sĩ của đơn vị mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Kết thúc chuyến thực tập, bác sỹ chủ nhiệm quân y đơn vị ấy nói: “Các anh đến đây, chúng tôi được học nhiều thứ mà trường lớp không dạy”. Quả thực, với cấy chỉ, ở trường có ai dạy cho đâu.

Liều một phen ai ngờ cứu sống cậu bé bị viêm màng não

Năm 1990, ông Nguyễn Duy Châu, trạm xá trưởng xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) gửi lên bệnh nhi Ngô Huy Tuấn (SN 1985) bị liệt cứng, di chứng của bệnh viêm màng não. Tuấn đã đi điều trị ở rất nhiều nơi cả Đông lẫn Tây y nhưng không khỏi. Quả thực đây là một ca bệnh khó, e rằng đã “vô phương cứu chữa”.

Bác sỹ Vinh kể: “Thằng bé 5 tuổi như cái giẻ vắt vai, bố mẹ chỉ cần buông tay là lăn đùng ra sàn nhà. Tôi nghĩ thôi thì bây giờ mình liều một phen xem sao, cấy cho thằng bé 10 mũi chỉ. Nửa tháng sau, Tuấn quay lại và đã lẫm chẫm bước đi. Đến lần điều trị thứ 3, nó đi lại nhanh nhẹn, hoạt bát khiến tôi không khỏi ngạc nhiên.

Bố mẹ nó cứ năn nỉ xin tôi làm cho lần nữa cho chắc ăn. Nể quá, tôi cũng làm nhưng chỉ mang tính chất động viên. Tuấn phục hồi rất tốt, không còn di chứng, bây giờ nó đã trưởng thành, đi làm công nhân và có vợ con đàng hoàng”.


Bệnh nhân từ khắp mọi miền đất nước tìm đến nhờ ông “ra tay” cứu giúp

Thỉnh thoảng, ông vẫn nhận một số ca bệnh khó ở các mặt bệnh khác nhau và nhận ra cấy chỉ là một hình thức châm cứu hiện đại bằng cách tác động lên một huyệt. Nhưng chỉ đến khi nghỉ hưu vào năm 2007, vị thầy thuốc ưu tú này mới chính thức phát triển công nghệ cấy chỉ và đưa nó lên một tầm cao mới.

 Từ chỗ, cấy chỉ chữa được một số bệnh như hen phế quản, dạ dày thì giờ đây phương pháp này đã chữa được rất nhiều bệnh nan y và còn là một xu hướng làm đẹp hữu hiệu với phụ nữ tuổi mãn kinh. 

“Với công nghệ sử dụng chỉ khâu phẫu thuật vi cấy ghép bản sắc Việt, Trung tâm cấy chỉ-phục hồi chức năng Minh Quang có thể cấy được nhiều huyệt trong một lần điều trị, không gây sưng đau, hiệu quả cao hơn hẳn so với các phương pháp cấy chỉ khác. Do vậy, tôi đã mở rộng phạm vi điều trị có hiệu quả khoảng 300 mặt bệnh khác nhau và có thể hỗ trợ điều trị bệnh nhân ung thư, cai nghiện ma túy.

Nhiều căn bệnh khó như bại não, tự kỷ, di chứng liệt, thoát vị đĩa đệm, cột sống, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, trào ngược dạ dày thực quản đã được điều trị thành công”, ông Vinh chia sẻ. Công nghệ vi cấy ghép bản sắc Việt đã được giới thiệu tại Hội thảo y tế bản địa các nước tiểu vùng sông Mê Kông tổ chức tại Thái Lan năm 2012.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, bệnh nhân từ khắp mọi miền đất nước tìm đến nhờ ông “ra tay” cứu giúp. Ban ngày, ông miệt mài khám chữa bệnh cho người dân. Tối đến, lại chong đèn viết sách, viết báo. Với gần 30 đầu sách phổ biến kiến thức y học, ông trở thành cộng tác viên đắc lực của nhiều nhà xuất bản, tạp chí, báo y học chuyên ngành. Cởi bộ quân phục đầy tự hào, khoác lên mình chiếc áo bờ - lu trắng, ông cười bảo: “Màu áo nào với tôi cũng mang trọng trách lớn, đều vì dân tộc, quê hương. Tôi còn sống nghĩa là còn cống hiến”.

Chia tay người thầy thuốc mang tâm hồn nghệ sỹ khi phố “nhà binh” đã lên đèn và “cành me thì thầm gục đầu vào dĩ vãng”. Hi vọng rằng, với công nghệ cấy chỉ bản sắc Việt do ông phát triển sẽ mang lại hạnh phúc và niềm tin yêu cuộc sống cho nhiều bệnh nhân!

Nhạc nền