Người thầy thuốc khoác hai màu áo

Như một sự trùng hợp tình cờ, phòng khám của Đại tá, bác sỹ, Thầy thuốc ưu tú (TTƯT) Quách Tuấn Vinh nằm ngay trên phố “nhà Binh” Lý Nam Đế. Trải qua bao biến động, con phố ấy vẫn lặng lẽ đi vào văn chương, nhạc họa với hết thảy vẻ bình yên phố cổ Hà Nội, với bao tháng ngày “cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng”… Từng đi qua chiến tranh, hòa bình lặp lại, bác sỹ Vinh vẫn tiếp tục khoác hai màu áo: Áo blouse trắng ngành y và áo xanh của bộ đội Cụ Hồ; vẫn gánh trên vai trách nhiệm vinh quang với xã hội và người bệnh… Nhiều người quen gọi ông bằng cái tên thân thiện “Bác sỹ cấy chỉ”,“thầy thuốc có đôi bàn tay vàng…”.

 

 


Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Nội, Đại tá, bác sỹ Quách Tuấn Vinh là hậu duệ đời thứ 24 của hai quan Thượng thư Quách Đình Bảo và Quách Hữu Nghiêm dưới triều vua Lê Thánh Tông. Hiện nay, tại đền thờ hai cụ ở Thái Phúc - Thái Thụy - Thái Bình vẫn còn lưu giữ bức cổ tự “Thi lễ truyền gia” do nhà vua ban tặng. Gia đình Quách Tuấn Vinh có truyền thống y nghiệp. “Một hình ảnh để lại trong tôi ấn tượng đẹp đẽ nhất, đó là mẹ tôi - một nữ y tá nâng niu trẻ sơ sinh trên tay và tắm cho chúng. Hình ảnh ấy vừa cao cả vừa nhân văn đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi từ thuở bé thơ cho tới mãi sau này…” - bác sỹ Vinh tâm sự cùng chúng tôi trong nỗi hoài niệm đầy xúc động.

Năm 1979, rời khỏi đoàn Thành Tô, bộ đội phòng không Hải Phòng, ông bước chân vào ngành y tế, được đào tạo chuyên ngành Đông y và chuyên ngành phục hồi chức năng. Sau này, trải qua nhiều cương vị công tác, ông từng đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Quân y (Tổng cục Chính trị) và là bác sỹ Phòng Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương I, chuyên chăm sóc các tướng lĩnh và lãnh đạo cấp cao của nhà nước. Gánh trên vai trọng trách quan trọng, bác sỹ Quách Tuấn Vinh luôn tự nhủ với bản thân mình: Phải cố gắng học thầy, học bạn, biết kế thừa, biết sáng tạo, tìm tòi những phương pháp chữa bệnh có hiệu quả để phục vụ nhân dân. Ở ông, chất lính luôn tỏa sáng cùng cái Tâm cao quý của người thầy thuốc. Chính sự học hỏi không biết mệt mỏi đã giúp ông tích lũy cho bản thân mình những kinh nghiệm quý báu trong nghề.

Những năm gần đây, phương pháp cấy chỉ của TTƯT Quách Tuấn Vinh nhận được nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn và người bệnh. Kỹ thuật châm cứu bằng phương pháp cấy chỉ ra đời từ năm 1964 tại Trung Quốc bằng việc rạch da, đưa chỉ tự tiêu vào huyệt rồi khâu lại. Vì thế cấy chỉ còn gọi là cấy catgut, chôn chỉ, vùi chỉ... là một phương pháp châm cứu hiện đại. Phương pháp này đã được áp dụng tại Việt Nam từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Để phát triển công nghệ mới này, phải mất một thời gian dài kiên trì nghiên cứu, bác sỹ Quách Tuấn Vinh mới phát triển công nghệ mới - công nghệ sử dụng chỉ khâu phẫu thuật vi cấy ghép vào huyệt đạo được chính ông đặt cho cái tên độc đáo: “Bản sắc Việt”. Nhờ việc xây dựng quy trình kỹ thuật mới, cải tiến cấy ghép, công nghệ đã hạn chế tối đa những nhược điểm của các kỹ thuật cấy chỉ khác, tạo nên hiệu quả tích cực từ phương pháp chữa bệnh cổ truyền này.

Hình ảnh ông ngoại - một Lương y (Đông y) nổi tiếng ăn sâu vào tâm trí bác sĩ Vinh. Ông chia sẻ, việc bắt đầu nghiên cứu cấy chỉ vào huyệt đạo được thực hiện từ những năm 1982-1983. Năm 1984, khi công tác tại Trung đoàn 66, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, ông đã tổ chức cấy chỉ cho 34 cán bộ chiến sĩ của đơn vị mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Đến năm 1990, ông đã mang đến điều kỳ diệu cho một bệnh nhi bị di chứng liệt cứng sau viêm màng não. Bằng phương pháp điều trị của mình, sau hai lần cấy chỉ, cháu bé đã hết liệt. Cho đến nay, hơn hai mươi năm trôi qua, bệnh nhi Ngô Huy Tuấn (xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) đã trưởng thành, có vợ con, công việc ổn định… Chính những thành công đó góp phần hun đúc ở ông đam mê nghiên cứu kỹ thuật cấy chỉ vào huyệt đạo để giúp đời, giúp người, như chính ông từng khẳng định: Ở đời phải biết cho đi cái “Tâm” để nhận lại cái “Tình”.

Dám nghĩ, dám làm, tin tưởng vào khả năng chuyên môn là một đặc tính của con người ông. Tại tọa đàm “Cấy chỉ chữa bệnh nan y và mạn tính” với sự có mặt của một số chuyên gia y tế, công nghệ cấy chỉ “Bản sắc Việt” do ông sáng tạo đã được đánh giá cao, góp phần khẳng định bản sắc của ngành châm cứu Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 2008, sau hơn ba mươi năm phục vụ trong quân đội, Đại tá Quách Tuấn Vinh trở về với cuộc sống đời thường. Không an phận với cuộc sống an nhàn như nhiều người nghỉ hưu khác, ông trở thành giám đốc Trung tâm cấy chỉ - phục hồi chức năng Minh Quang, chuyên nghiên cứu phát triển kỹ thuật cấy chỉ vào huyệt đạo để giúp đời, giúp người. Ông cho biết: “Chữa bệnh bằng phương pháp cấy chỉ như một cơ duyên trong cuộc đời tôi. Duyên may là tôi thấy được ưu điểm tuyệt vời và hiệu quả như là điều kỳ diệu mà cấy chỉ vào huyệt đạo mang lại”.

Hiện nay, Trung tâm cấy chỉ - phục hồi chức năng Minh Quang đã mở rộng phạm vi điều trị với 18 nhóm bệnh lý, 250 mặt bệnh, trong đó có nhiều bệnh khó chữa như: Di chứng liệt, bại bão, tự kỷ, thoát vị đĩa đệm, teo gai thị… Nhiều lá thư từ mọi miền đất nước gửi tới bác sỹ Vinh, mỗi lá thư mang theo một số phận khác nhau nhưng tất cả đều bày tỏ lòng kính trọng, sự biết ơn người thầy thuốc đã mang đến niềm tin, niềm vui cho mỗi số phận, mỗi cuộc đời.

Nghỉ hưu, không lúc nào rời cây kim khỏi tay, nhưng bác sĩ Vinh vẫn dành thời gian để viết sách, viết báo. Với gần 30 đầu sách phổ biến kiến thức y học, ông trở thành cộng tác viên của nhiều nhà xuất bản, tạp chí, báo y học chuyên ngành của cả nước. Những lời tâm sự của ông rơi vào quãng lặng của mùa xuân đầy mưa gió nhen nhóm trong chúng tôi niềm khắc khoải như chính câu thơ ông viết ngày nào: Bao năm qua mẹ bao lần nhắn nhủ/ Con ơi con sao mãi chẳng thấy về/ Mẹ đã già mong mỏi ngóng trông con/ Ngày qua ngày con đi mãi không về…/ Đường hành quân bao nẻo đường cát bụi… Dường như, đằng sau vẻ cương nghị, trách nhiệm cao cả với nghề, người thầy thuốc ấy còn mang một tâm hồn nghệ sỹ đầy trắc ẩn, bao dung!
 
Lữ Mai

Nhạc nền