Nhận biết dấu hiệu trầm cảm ngay từ khi trẻ học lớp 2
Nhận biết dấu hiệu trầm cảm ngay từ khi trẻ học lớp 2
Một nghiên cứu do trường đại học Washington tiến hành trên gần 1000 trẻ em ở độ tuổi theo học từ lớp 2 đến lớp 8 đã đưa ra 5 nhóm kết quả khác nhau về sự phát triển các dấu hiệu trầm cảm ở thanh thiếu niên.
“Một số trẻ nói rằng chúng không có nhiều bạn, cảm thấy cô đơn hơn và lo âu hơn so với bạn bè cùng trang lứa,” James Mazza, giáo sư tâm lý giáo dục thuộc đại học Washington, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết. “Chúng tiết lộ rằng chúng thấy mình khác biệt so với một đứa trẻ học lớp 2 vô tư lự thông thường.”
“Chúng tôi có thể bắt đầu xây dựng những mô tả sơ lược về sức khỏe tinh thần của trẻ học lớp 2. Điều này là rất quan trọng bởi những em có triệu chứng trầm cảm từ sớm có nguy cơ cao hơn về các vấn đề sức khỏe tinh thần ở tuổi vị thành niên, đây là kết quả đã công bố của nhiều công trình khoa học khác. Chúng tôi muốn khẳng định lại với các bậc phụ huynh rằng, tất cả mọi người, bao gồm cả trẻ em, đều có thể cảm thấy buồn bã hay phiền muộn, nhưng điều này không có nghĩa là chắc chắn chúng sẽ mắc phải chứng trầm cảm sau này. Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu trầm cảm bắt đầu và phát triển ra sao ở trẻ để từ đó có các biện pháp phòng tránh cho các em, ” Mazza nói.
Nghiên cứu mới này dựa trên các bản tự đánh giá của trẻ cũng như báo cáo từ các bậc phụ huynh và giáo viên trong khảo sát Nâng cao Sức khỏe Trẻ em – một cuộc điều tra dài hạn với qui mô lớn nhằm xem xét sự phát triển sức khỏe và các vấn đề cư xử ở trẻ trong phạm vi 10 trường ngoại ô vùng Pacific Northwest. Khảo sát trầm cảm hiện tại sử dụng dữ liệu từ 511 em trai và 440 em gái, trong số đó 81% là trẻ da trắng.
Trẻ em trầm cảm (Ảnh : s5.60s.com.vn) |
Nghiên cứu đã xác định được 5 nhóm kết quả về trầm cảm ở trẻ; trong đó 56% trẻ không có hoặc ít có biểu hiện trầm cảm ở tuổi học lớp 2. Thông tin về 5 nhóm đối tượng cụ thể như sau:
• Kết quả dấu hiệu thấp và ổn định – 26%: những đứa trẻ này không có hoặc hầu như không có dấu hiệu trầm cảm ở năm học lớp 2, và tỉ lệ dấu hiệu không thay đổi theo thời gian cho tới tận năm lớp 8.
• Thấp nhưng tăng dần – 30%: Trẻ thuộc nhóm này cũng không có hoặc hầu như không có dấu hiệu trầm cảm khi học lớp 2, nhưng số dấu hiệu tăng lên chút ít trong những năm tiếp theo.
• Trung bình & ổn định – 24%: Nhóm này có ít dấu hiệu nhưng số dấu hiệu tăng lên chút ít trong những năm tiếp theo.
• Vừa phải & thay đổi – 11%: Những trẻ này bắt đầu với nhiều biểu hiện hơn so với nhóm kể trên và số lượng biểu hiện tăng dần qua các năm tiểu học, nhưng sau đó lại giảm ở bậc trung học cơ sở.
• Vừa phải & tăng dần – 9%: Nhóm này ở lớp 2 có số triệu chứng tương đương với nhóm trên, nhưng các biểu hiện không giảm đi mà tiếp tục tăng ở bậc trung học cơ sở.
Nghiên cứu xác định các yếu tố rủi ro liên quan tới bệnh trầm cảm ở các em trai và em gái. Đối với em trai, các vấn đề về hành vi và sự tập trung cho biết trẻ thuộc nhóm nào. Ở các em gái, sự lo lắng là một yếu tố rủi ro xuất hiện sớm. Nghiên cứu cũng tái khẳng định những kết quả trước đây từng chỉ ra sự khác nhau giữa hai giới trong các dấu hiệu trầm cảm, trong đó nữ giới biểu hiện nhiều dấu hiệu hơn nam giới ở tuổi học lớp 8.
“Trẻ em là nguồn thông tin đáng tin cậy nhất về cảm giác, cảm xúc bên trong bản thân chúng. Nhưng cũng cần có cái nhìn đa chiều. Việc thu thập dữ liệu từ các bậc phụ huynh, giáo viên và trẻ để xác định sớm nguy cơ trầm cảm là một biện pháp tốt phát hiện ra những trường hợp có thể gặp phải các vấn đề liên quan sức khỏe tinh thần sau này,” Mazza nói.