CHỮA BỆNH BẰNG PHƯƠNG PHÁP CẤY CHỈ- HIỆU ÍCH THẾ NÀO?
CHỮA BỆNH BẰNG PHƯƠNG PHÁP CẤY CHỈ- HIỆU ÍCH THẾ NÀO?
Xin BS nói rõ hơn về phương pháp này cho độc giả báo GDTĐ được biết?
Bác sĩ Quách Tuấn Vinh: Cấy chỉ là một phương pháp chữa bệnh, phục hồi chức năng rất độc đáo, là thành quả của sự kết hợp hai nền y học, có xuất xứ từ Trung Quốc và đã được nghiên cứu, ứng dụng tại Việt Nam từ những năm của thập kỷ 70 thế kỷ trước. Cấy chỉ là một trong những hình thức tác động vào huyệt đạo như thủy châm, từ châm, laser châm. Theo tiếng Anh, cấy chỉ có tên gọi là catgut embedding therapy, trong đó embedding có nghĩa là chôn, vùi, cấy. Catgut là một loại chỉ dùng trong phẫu thuật, có khả năng tự tiêu sau một thời gian nhất định. Chính vì vậy, sự tồn lưu của catgut tại huyệt đạo trong một thời gian nhất định đã phát huy vai trò kích thích huyệt đạo nhằm tạo được sự cân bằng âm dương, điều chỉnh chức năng tạng phủ, hành khí hoạt huyết, khai uất trệ, chỉ thống (giảm đau)…Theo y học hiện đại, cũng như châm cứu, cấy chỉ cũng có tác dụng kích thích theo cơ chế thần kinh thể dịch. Một số nghiên cứu cho thấy rằng cấy chỉ có tác dụng giảm đau, an thần, điều hòa thể dịch, giãn nở mạch máu, kích thích tái tạo thần kinh, điều hòa trương lực cơ …
Cấy chỉ – phương pháp châm cứu mà B.S đang sử dụng để tiến hành điều trị cho bệnh nhân hiện nay đã được khẳng định sau khi có nhiều bệnh nhân chữa trị khỏi bệnh bằng phương pháp này. Đây là pưhơng pháp cổ điển hay mới mẻ đối với y học cổ truyền Việt Nam?
Bác sĩ Quách Tuấn Vinh:Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sau nhưng năm 50 của thế kỷ trước, có nhiều hình thức tác động vào huyệt như thủy châm (tiêm thuốc vào huyệt), từ châm (tác động vào huyệt bằng từ trường), laser châm (tác động vào huyệt bằng ánh sáng), điện châm (kích thích bằng xung điện)… đã được nghiên cứu và ứng dụng. Có thể coi đây là sự kết hợp hai nền y học.
Tôi được biết rằng, cấy chỉ đã du nhập vào Việt Nam từ những năm 70 cuả thế kỷ trước. Cho nên nói cấy chỉ không còn là mới mẻ với y học cổ truyền Việt Nam. Nhưng do chưa được phổ biến nhiều ở Việt Nam nên còn có nhiều người chưa biết đến phương pháp điều trị – Phục hồi chức năng (PHCN) độc đáo này. Tôi đã được đọc một nghiên cưú của Viện Đông y trung ương về phương pháp cấy chỉ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng đăng trên tạp chí Y học thực hành từ nhưng năm 1970. Một số BV như 103, BV trung ương quân đội 108, viện Châm cứu trung ương…đều có áp dụng cấy chỉ điều trị – PHCN một số chứng bệnh nhất định như hen phế quản, viêm loét dạ dày tá tràng…
Trên thế giới đã ứng dụng phương pháp này chưa? Tại sao?
Bác sĩ Quách Tuấn Vinh:Cho đến nay, có thể nói Trung Quốc là nước có nhiều nghiên cứu về cấy chỉ trong điều trị và PHCN đã được báo cáo. Tôi đã được đọc nhiều nghiên cứu về cấy chỉ như cấy chỉ điều trị parkinson, nhức đầu do mạch máu, đau thắt ngực, viêm loét đại tràng, Alzheimer, hội chứng tiền kinh nguyệt…của các nhà khoa học Trung Quốc. Tại Hungary, bác sĩ Lê Thúy Oanh (nguyên là bác sĩ Phòng Quân y Tổng cục Chính trị) cũng là người đã nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật cấy chỉ điều trị –PHCN cho nhiều bệnh chứng khác nhau và đã thu được nhiều kết quả. Và tại Hungary, phương pháp cấy chỉ đã được đưa vào chương trình giảng dậy y khoa và được coi là một phương pháp điều trị chính thống. Tại Ấn Độ, cấy chỉ cũng được áp dụng điều trị một số chứng bệnh tại Trung tâm nghiên cứu châm cứu của bác sĩ Lohiya.
Ưu điểm và hiệu quả của phương pháp này so với phương pháp châm cứu thông thường?
Bác sĩ Quách Tuấn Vinh:Các nhà khoa học Hungary đã công nhận hiệu quả điều trị ưu việt của phương pháp cấy chỉ so với châm cứu truyền thống. Thực tiễn lâm sàng cho thấy có thể đánh giá phương pháp điều trị –PHCN này có nhiều ưu điểm so với châm cứu truyền thống: Thứ nhất là hiệu quả điều trị cao hơn châm cứu. Thứ hai là người bệnh và cả thầy thuốc đều tiết kiệm được thời gian do lần điều trị tiếp sau phải cách lần trước 15 – 20 ngày. Nếu điều trị bằng châm cứu thông thường, người bệnh thường pahỉ châm cứu 10-15 ngày, rồi nghỉ dăm bảy ngày, sau đó lại tiếp theo đợt điều trị thứ hai. Còn điều trị bằng cấy chỉ, lần điều trị tiếp sau phải cách lần trước 15-20 ngày, thậm chí lâu hơn tùy theo ý định của thầy thuốc. Vì vậy, với phương pháp này, người bệnh có thể tiết kiệm nhiều thời gian đi điều trị như châm cứu thông thường. Bệnh nhân Lê Thúy Hồng (1959), trú quán Quan Thánh – Hà Nội, mắc bệnh liệt dây VII. được điều trị tại BV 3 tháng không có chuyển biến. Trong 3 tháng trời đó, chỉ riêng việc đi lại, chờ đợi cũng khá vất vả cho bệnh nhân. Nhưng khi được điều trị bằng phương pháp cấy chỉ, sau 15 ngày thậm chí cả tháng mới phải điều trị tiếp lần sau và kết quả rõ rệt hơn nhiều so với châm cứu truyền thống.
Có thể, do kích thích vào huyệt đạo lâu dài nên cấy chỉ đã tạo được hiệu quả điều trị cao hơn bình thường. Rất nhiều người bệnh tôi trực tiếp điều trị đã từng châm cứu nhưng khi được điều trị bằng phương pháp cấy chỉ đều nhận thấy rõ hiệu quả điều trị của phương pháp này. Bệnh nhân Bửu Thi (Trần Xuân Soạn – Hà Nội), khi đi lại rất khó khăn và thường rơi dép do bàn chân không gấp lại được. Người bệnh đã đi điều trị bằng châm cứu 7 tháng liên tục không kết quả, nhưng khi được cấy chỉ vài lần đã thấy có chuyển biến rõ rệt. Cụ Vương Thị Tính (Mạc Đĩnh Chi – Hà Nội) đột quỵ lần 2 do tăng huyết áp, gây liệt nửa người phải kèm theo cấm khẩu từ 13 tháng 2 năm 2008. Đến tháng 4 .2008 được điều trị bằng phương pháp cấy chỉ. Sau 6 lần cấy chỉ, cụ Tính đã nói được, tự phục vụ một số việc đơn giản như chải đầu, mặc áo, xúc cơm lấy và nhúc nhắc đi lại được…Bà Lê Thúy Dực, 70 Nguyễn Công Hoan – Hà Nội, mắc bệnh suy giảm thị lực và đục thủy tinh thể đã có chỉ định mổ, sau vài lần cấy chỉ thị lực đã phục hồi rõ rệt và không phải mổ, hiện nay khi xem báo đọc sách không phải đeo kính…
Xin bác sĩ cho biết, cấy chỉ có gây tai biến ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh hay không?Bác sĩ có lời khuyên đối với bệnh nhân chữa trị bằng phương pháp cấy chỉ như thế nào?
Bác sĩ Quách Tuấn Vinh: Cấy chỉ là một hình thức châm cứu hiện đại, cần được thầy thuốc chuyên khoa y học cổ truyền thực hiện. Nếu thực hiện đúng kỹ thuật, cấy chỉ không gây tai biến ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Để mang lại hiệu quả cao trong điều trị , trước khi điều trị bằng cấy chỉ, người bệnh cần chú ý: Không ăn quá no, không uống rượu, không uống nước ngọt, cà phê…, không quá đói và không lao động thể lực quá sức, không quá mệt mỏi. Nên ngồi nghỉ ngơi tại chỗ trước khi điều trị và cần tắm rửa trước khi đến điều trị. Để tiện cho việc điều trị, người bệnh nên mặc quần áo rộng rãi.
Sau khi cấy chỉ, người bệnh cần ngồi nghỉ tại phòng khám 10 - 15 phút và không lao động thể lực quá sức. Có thể tắm rửa 4- 6h sau khi điều trị.
Người già, người tàn tật, trẻ em cần có người nhà đưa đón đến phòng khám. Cần mang theo kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu; phim Xq; đơn thuốc đang điều trị (nếu có) để thầy thuốc tham khảo. Khi đến khám cần thông báo rõ các bệnh, chứng đã mắc hoặc đang mắc để thầy thuốc tiện cho việc xây dựng kế hoạch điều trị. Cần thông báo cho thầy thuốc tình trạng dị ứng với thuốc men, hóa chất …nếu có.
Vai trò của bác sĩ có ảnh hưởng và quyết định như thế nào trong quá trình điều trị?
Bác sĩ Quách Tuấn Vinh:Cũng như châm cứu truyền thống, để điều trị –PHCN thành công và có hiệu quả cao, người thầy thuốc cần nắm chắc y lý Đông y, có kinh nghiệm phối hợp huyệt. Nếu sử dụng phương huyệt không đúng thì sẽ không thể mang lại hiệu quả điều trị tốt được. Theo tôi, cấy chỉ phải do các thầy thuốc chuyên khoa đông y, lương y thực hiện.
Kinh nghiệm của ông trong điều trị bằng phương pháp cấy chỉ là như thế nào?
Bác sĩ Quách Tuấn Vinh: Cá nhân tôi đã nghiên cứu ứng dụng phương pháp cấy chỉ khá sớm, khoảng những năm 1980 tôi đã tìm hiểu về phương pháp này qua tài liệu. Năm 1983, ca bệnh đầu tiên là một ca viêm loét dạ dày tá tràng đã được điều trị thành công chỉ sau 2 lần cấy chỉ. Đến năm 1985, kế thừa nghiên cứu của Viện Đông y Trung ương (đăng trên tạp chí Y học Thực hành), tôi đã áp dụng cầy chỉ bằng phương pháp cải tiến điều trị cho hơn 30 cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 66 sư đoàn 10 quân đoàn 3. Năm 1995, lần đầu tiên áp dụng thành công phương pháp cấy chỉ phục hồi di chứng liệt cứng sau viêm não cho bệnh nhi Ngô Huy Tuấn, sinh 1990, trú quán Chân Lạc – Dũng Liệt – Yên Phong - Bắc Ninh. Đến nay, cháu Tuấn đã trưởng thành, khỏe mạnh, hiện là công nhân một nhà máy giấy và đã có gia đình hạnh phúc.
Theo y học cổ truyền, tiền nhân có câu “vạn bệnh nhất điểm”, hoặc “dụng dược tam niên bất như cứu ngải nhất tráng”(dùng thuốc ba năm không bằng cứu một mồi ngài)…đã nói rõ quan điểm có thể áp dụng châm cứu, cấy chỉ chữa nhiều loại bệnh chứng khác nhau với hiệu quả cao hơn dùng thuốc. Với thâm niên gần 30 năm nghiên cứu ứng dụng, kế thừa và phát triển phương pháp cấy chỉ này trong điều trị –PHCN, và đã trực tiếp điều trị cho rất nhiều ca bệnh, loại bệnh, tôi thấy cấy chỉ có thể áp dụng điều trị - PHCN cho nhiều loại bệnh lý khác nhau. Các bệnh chứng có chỉ định châm cứu thì đều áp dụng cấy chỉ được.
Một số chứng bệnh khi điều trị bằng phương páhp cấy chỉ mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian công sức cho người bệnh như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm với các biểu hiện như đau vai gáy, đau thần kinh tọa, nhức đầu, thiểu năng tuần hoàn não…Suy giảm thị lực, viêm mũi xoang dị ứng, nhức nửa đầu, đau xương khớp do phong thấp, viêm loét đại tràng, viêm loét dạ dày tá tràng, đau bụng kinh, viêm phần phụ ở phụ nữ, vô kinh, thống kinh…đều là những bệnh có thể điều trị bằng phương pháp cấy chỉ.
ở Việt Nam, một số các BV có áp dụng phương pháp này như 103, 108, viện Châm cứu Trung ương, viện Đông y trung ương… Hiện nay, phương pháp này cũng đã được triển khai tại Làng Hữu Nghị – Trung ương hội Cựu chiến binh Việt Nam như một phương pháp điều trị – PHCN.
Trung tâm cấy chỉ – PHCN Minh Quang (Thuộc Phòng chẩn trị y học cổ truyền tư nhân) tại số 2 ngõ 12B Lý Nam Đế – Hà Nội do bác sĩ Quách Tuấn Vinh tổ chức là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam chuyên nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật cấy chỉ trong điều trị –PHCN cho nhiều bệnh, chứng khác nhau. Tại đây, cấy chỉ là phương pháp điều trị chủ yếu cho nhiều chứng bệnh khác nhau. Bạn đọc có thể liên hệ qua điện thoại 0984.101.269 hoặc 04.8435.160 để tư vấn về phương pháp cấy chỉ hoặc tham khảo qua http://caychi.sky.vn.
Bài đăng trên báo GD&TĐ sốđặc biệt tháng 9 năm 2008
Bài viết liên quan
- Cấy chỉ huyệt đạo điều trị được nhiều bệnh nan y, mãn tính
- ÔNG BÁC SĨ "CẤY CHỈ" (Báo Người lao động)
- Quách Tuấn Vinh - Thày thuốc với phương pháp chữa bệnh độc đáo. QĐND - Thứ hai, 08/02/2010 | 14:29
- Chân dung Trí thức: Người thầy thuốc khoác hai màu áo
- Người chữa nhiều bệnh bằng phương pháp cấy chỉ